Friday, August 16, 2013

Nỗi Hối Hận Lúc Hoàng Hôn

Sách « Nỗi Hối Hận Lúc Hoàng Hôn » viết về Triết gia TRẦN ĐỨC THẢO
Sách do tác giả Tri Vũ - Hoàng Ngọc Khuê xuất bản tháng 10/2012 tại Pháp . Nội dung viết về ông Trần Đức Thảo , sinh năm 1917 , giáo sư thạc sĩ dạy môn triết trong ngành đại học tại Paris , một nhà nghiên cứu uyên thâm về tư tưởng Marx , từng tranh luận với đại triết gia Jean-Paul Sartre . Sách cũng ghi lại những kinh nghiệm và nhận xét của ông trong 40 năm sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam . 
Năm 1952 , GS Thảo , được sự hỗ trợ của đảng Cộng Sản Pháp , trở về nước với hoài bảo phục vụ cách mạng . Ông đi theo ngõ đường sắt xuyên Á , qua đất Trung Hoa , để đến chiến khu Việt Bắc . Sự việc đầu tiên làm ông suy nghĩ , khi cán bộ ở biên giới buộc ông làm tờ khai lý lịch , với yêu cầu lên án ông bà , cha mẹ có liên hệ với phong kiến và thực dân . Ông bác bỏ ý kiến này , để tôn trong sự thật . Vụ này được báo cáo về trung ương . Ông đã vài lần gặp ông Hồ , thấy Chủ Tịch tỏ thái độ xa cách . Dù nhiệt thành yêu nước , nhưng vì ông chủ trương một cuộc cách mạng đi đến dân chủ và trọng đạo lý , giải phóng con người , nên bị liệt vào thành phần « có vấn đề » . Do đó , ông không đươc giao nhiệm vụ gì cả , có lúc đi dạy hoc , một thời đươc giao việc chăn bò ở Ba Vì , rồi lâm cảnh khó khăn do thất nghiệp , vợ ly dị đi lấy chồng khác ( BS Nguyễn Khắc Viện ) . 
Năm 1954 , sau Hiệp Định Genève , ông trở về Hà nội , trải qua những ngày sống trong cảnh xã hội mới quá thê thảm . Hà thành ngày trước văn minh , thanh lịch nay không còn , kể cả tiếng nói , nhường chỗ cho dân từ các nơi khác đến , quê mùa , tục tằn , thô lỗ . Ông được tham gia một chuyến đi về huyện Chiêm Hoá , để vận động các bần cố nông đấu tố địa chủ , đã chứng kiến vụ những dân làng bị đánh đập dã man , rồi đem ra xử bắn , trước sư hiện diện của cố vấn Tàu Cộng ( chiến dịch cải cách ruộng đất do các cán bộ Tàu chì huy ) . Ông Thảo bị xúc động mạnh , đòi các cố vấn này giải thích về căn bản pháp lý của tỷ số giết người ấn định 5 % . Các cố vấn này bèn lập phiên toà , định đưa GS Thảo ra xét , rồi xử bắn về tội phản cách mạng . Sau cùng , chuyện được hoãn lại 
Năm 1987 , GS Thảo được phép vô Sài Gòn , nhìn thấy một thành phố khác xa Hà Nội , không đói rách như đã nghe , găp nhiều cựu kháng chiến Miền Nam , nghe tâm sự của những người nay bị gạt ra bên lề , và được họ quý trọng . Ông viết cuốn sách ngắn tựa đề « Con người và chủ nghĩa lý luận không có con người » , được tái bản . Hà Nội ra lệnh tịch thu , nhưng sách đã bán sạch . Nhiều người khuyên ông nên đi Pháp , để bảo toàn mạng sống . 
Năm 1991 , ông trở qua Pháp , vui mừng gặp lại các bạn hữu , đồng thời bị toà đại sứ VN ở Paris theo dõi , gây khó khăn , hăm doạ , ngăn chặn không cho ông diễn thuyết ờ Nhà Việt Nam . Ông cho biết , ông Hồ không mấy quan tâm về lý thuyết của Marx , chỉ làm theo Lénine , Staline , và nhất là Mao . GS Thảo đánh giá lại học thuyết của Marx , với kết luận : Marx đã sai lầm . 
Vào lúc xế chiều của cuộc đời , GS Thảo tỏ ý hối hận , trong bao năm qua đã giữ thái độ im lặng , tức đồng loã với những kẻ gây tội ác . Ông dự tính ra cuốn sách , chưa thực hiện thì đột ngột từ trần năm 1993 , sau một cơn đau bụng dữ dội , điều khó hiểu . Hũ tro của ông đươc gởi về Hà Nội , nhưng không được ai nhận . Cuối cùng , bà vợ cũ đứng ra lo việc mai táng .  nhà-cầm-quyền Hà Nội đã truy tặng ông huân chương Độc Lập và Giải Thưởng Hồ Chí Minh ! 

Tri Vũ – Hoàng Ngọc Khuê C/N 2013/08/09

***

Trích đoạn phần GS Thảo trình bày về một số vấn đề 

Thủ phạm gây ra đại bi kịch cho nhân loại , chính là Marx . 
Nhà báo Cộng Sản người Úc Winfred Burchett giải thích về chính sách thực dụng rất nguy hiểm của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam . Theo Burchett thì Mỹ nhúng tay vào Miền Nam Việt Nam vì coi đó là một thị trường của khối tư bản , và tuyên bố quyết tâm bảo vệ Miền Nam Việt Nam , vì đấy là một « tiền đồn của thế giới tự do » . Điều này có nghĩa là Mỹ muốn giữ vùng ấy không để lọt vào trong bức màn sắt của khối Cộng Sản . Nhưng , Mỹ cũng dứt khoát không tính diệt Cộng Sản BắcViệt để thống nhất Việt Nam bằng cách này hay cách khác . Bởi chiến tranh đối với Mỹ luôn luôn nằm trong chiến lược kinh tế thị trường toàn cầu . Cuộc chiến tranh bảo vệ thị trường Miền Nam Việt Nam đã bị sa lầy vì tốn kém và bị dư luận nhân dân Mỹ chán ghét . Thế nên các nhà chiến lược Mỹ đã đề ra một giải pháp khác . Vì không bảo vệ được thị trường Miền Nam Việt Nam bằng chiến tranh , thì phải quay qua giải pháp tìm thị trường thay thế bằng con đường hoà bình , cách này ít tốn kém mà bền vững hơn . 
Bởi Mỹ trên nguyên tắc , không hề tính tiêu diệt chế độ Cộng Sản ở Miền Bắc Việt Nam , nên khi thấy cuộc tổng tiến công nổi dậy hồi Tết Mậu Thân , 1968 , đã làm cho « địch » kiệt sức , thì đó là lúc tốt nhất để đưa « địch » ngồi vào bàn hội nghị . Cũng như khi thấy cuộc oanh tạc Miền Bắc hồi 1972 đã đủ cho Hà Nội thấm đòn , thì Mỹ liền ngưng ném bom , rồi đưa ra những điều kiện cụ thể để Hà Nội chịu ký kết chấm dứt chiến tranh , để Mỹ rút chân ra khỏi Miền Nam Việt Nam . Tất cả là dùng lá bài hoà bình thay thế cho lá bài chiến tranh . Cũng để tỏ rõ chính sách của Mỹ như thế , nên Hạm Đội 7 rất hùng hậu của Mỹ , lúc đó có mặt đông đảo ở ngoài khơi Việt Nam . Vậy mà lực lượng hùng hậu ấy đã đứng ngoài nhìn hải quân Tàu Cộng đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Miền Nam hồi 1974 . Sự án binh bất động này có nghĩa là Mỹ không coi Miền Nam Việt Nam là tiền đồn nữa . Ngay từ khi đổ bộ vào Miền Nam Việt Nam , Mỹ đã chỉ đánh cầm chừng để giữ đất , để cầu hoà chứ không có ý đẩy chiến tranh đến tận cùng ra Miền Bắc , để tiêu diệt chế độ Cộng Sản ở Miền Bắc . Dù là đã oanh tạc Miền Bắc , nhưng chiến lược của Mỹ là chỉ chờ lúc địch kiệt quệ để áp dụng lá bài hoà bình , nhằm đánh « địch » bằng kinh tế hậu chiến . Và quả thật ván bài này đã làm cho Hà Nội hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế . Để rồi tới lúc Hà Nội đã chiến thắng , nhưng laị phải chập nhận mọi điều kiện để Mỹ bỏ cấm vận . Rồi sau đó thì Hà Nội đã trải thảm đỏ long trọng đón rước lãnh đạo Mỹ trở lại , tức là từ đó , chính thức mở cửa cho vốn tư bản tràn vào tư do tung hoành trên nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ xã hội chủ nghĩa . Một chế độ như thế thật là lý tưởng cho sự khai thác lâu dài của tư bản Mỹ , có lợi hơn hẳn dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam . Bây giờ thì kết cuộc đã rõ rệt của ván bài « ai thắng ai » trong cuộc đấu trí ấy . 
Công cuộc phát triển cách mạng vô sản , với giấc mơ xây dựng thế giới đại đồng , như vậy là đã hoàn toàn tan vỡ , sau khi đã hy sinh tính mạng của hàng bao nhiêu vạn chiến sĩ Cộng Sản . Bây giờ thì không còn chống Mỹ cứu nước nữa . Giờ đây là phải thoát ra khỏi chế độ bao cấp , tự túc tự cường , phải bám theo Mỹ để cứu nước . Cà một nền kinh tế toàn cầu dưới sự áp đặt của Mỹ , nay tự do như thác đổ tràn vào một xứ sở bị bị kiệt quệ đến xương tuỷ vì chiến tranh và cách mạng . 
Giờ đây , cả nước đều phấn khởi hồ hởi vì được « hoà nhập » . Cửa đã mở rộng để cho vốn kinh tế thị trường tư bản tràn vào . Giờ đây , quê hương ta đang cuồng nhiệt lao vào đà phát triển sổi thì theo ý hướng của đồng USD , của những thế lực siêu đẳng về phương pháp bóc lột tinh vi . Các nước quanh ta , cùng khởi sự tranh đấu giành độc lập sau thế chiến thứ hai cùng với ta , nhưng do họ không có « lãnh đạo thần thánh » , nên họ không phải hy sinh như ta , không phải đổ ra nhiều xương máu như ta . Và họ đã giành được độc lập và ấm no trước ta cả nửa thế kỷ . Như vậy cái công lao , cái tài lãnh đạo thần thánh ấy , sự thật chúng là công hay tội ? 
Giờ đây , đảng phải ngả hẳn sang kinh tế thị trường của khối tư bản . Chính sách ấy thật ra mang tố chất phản cách mạng xã hội . Làm như vậy chỉ cốt để chế độ và đảng tồn tại . Đảng phải nói vớt vát rằng đó là « nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa » , tức là vẫn còn lôi ông Marx ra làm bình phong . Tôn thờ ý thức hệ mác-xít là duy trì tư duy sai lầm từ cái gốc tổ tông của cách mạng . Nói kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nói dối , là dùng cái bình xã hội chủ nghĩa , nhưng rượu ở bên trong nay là rượu của tư bản . Nói vậy là vẫn mang bóng ma của phần biện chứng không tưởng , siêu hình của Marx ra để bảo vệ . 
Sự thực ở ta , nay không phải đang áp dụng « kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa » , mà thực tế đang thi hành thứ « xã hội chủ nghĩa theo định hướng kinh tế thị trường » . Nghĩa là ngày nay đảng vẫn duy trì hình thức cai trị của chế độ chuyên chính , nhưng đi theo một thứ chủ nghĩa tư bản mới , với lý luận của xã hội chủ nghĩa . Thứ chủ nghĩa tư bản mới dã man này ở Mỹ không có . Vì ở đó dân có quyền của dân , dân được phép phê phán , thay đổi cai trị bằng lá phiếu . Còn ở nước ta , thực sự là nay đang theo một thứ chủ nghĩa tư bản rất mới so với trước đây , nghĩa là cái gì cũng bị coi là hàng hoá , cái gì cũng có thể rao bán ; từ lý thuyết , nghĩa vụ , con người , từ trẻ thơ tới thanh niên , phụ nữ , có thể bán cả tài nguyên , đất đai , lãnh thổ , sức lao động ra nước ngoài để thu đô-la về . Độc hại của sự định hướng theo kinh tế thị trường là đã coi các nghĩa vụ cao quý nhất như giáo dục để phát triển con người , như y tế để cứu chữa con người , thì nay những nghĩa vụ đó cũng đều là hàng hoá , cũng phải chịu luật hạch toán kinh tế , cũng phải tính lời , tính lỗ . Phát triển xã hội theo định hướng kinh tế thị trường như hiện nay là sự thống trị của tư bản man rợ , là một sự phá hoại tinh thần về mọi mặt , từ lương tri tới lý tưởng , từ trật tự kỷ cương tới truyền thống văn minh , văn hoá của tổ tiên . 
Tại các nước dân chủ như ngay tại Mỹ , chính sách kinh tế thị trường luôn luôn bị quyền tự do dân chủ kiểm chế , bị tự do báo chí canh trừng , nên nó không thể tự do tung hoành phá phách được , vì ở đó có sức phản bác của người dân . Vì dân có quyền dùng lá phiếu của mình để lật đổ một chính phủ không tôn trọng và bảo vệ dân . Ở nước ta cho tới nay , lá phiếu chỉ là trò đùa dân chủ của đảng , để tô đẹp bề ngoài cho chế độ . Thực tế là chế độ ta đã không bảo vệ dân , vì thực chất của lá phiếu ở ta không có quyền lực gì cả . nó chẳng thể đào thải được một  nhà-cầm-quyền tham nhũng thối nát đang bị dân chúng oán ghét , nguyền rũa . 
Về mặt triết học , kẻ từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt , thì tất cả những gì xảy ra trên thế giới sau ngày 30 tháng tư 1975 , đều đã làm chứng cho một sự thật đã bừng sáng . Vì hoà bình ở Việt Nam là một mốc thời gian , đánh dấu giai đoạn mà sự thật đã chứng minh rằng không hề có một chủ nghĩa vô sản nào , một  nhà-cầm-quyền vô sản nào đã hình thành trong một nước xã hội chủ nghĩa nào cả . Vì thế mà cái gọi là Đệ Tam Quốc Tế nay đã sụp đổ hoàn toàn , từ căn bản tư tưởng , từ bên trong xương tuỷ của nó . Cái gọi là tinh thần , là nghĩa vụ quốc tế vô sản , là Đệ Tam Quốc Tế ấy chỉ là cái vỏ bề ngoài , là một tấm màn che mắt , là một con số không . Đệ Tam Quốc Tế chỉ là công thức giúp nước Nga giữ lại toàn thể di sản đế quốc do các Sa hoàng để lại . Toàn thể khối Liên Xô tại Đông Âu đã sụp đổ từ bên trong vì sự trống rỗng tư tưởng giải phóng của nó . Cuộc cách mạng vô sản của Pol Pot đã bị bộ đội Cộng Sản Việt nam dẹp tan , cuộc chiến tranh ngắn ngày do đảng Cộng Sản Tàu Cộng phát động chống chế độ Cộng Sản ở Việt Nam năm 1979 , tất cả các cuộc chiến tranh ấy chỉ là hành động của thực dân đế quốc bành trướng kiểu mới . Về mặt kinh tế , sự đứng dậy ngoạn mục của Tàu Cộng , của Việt Nam , cũng là do thành phần tư sản , tư bản đỏ đã bùng lên cấu kết với tư bản man rợ nước ngoài , rất lấn át , rất tàn nhẫn , rất vô luật lệ , để tung hoành . Vì thế nó đã phát triển rất nhanh , rất ngoạn mục , nhưng cũng vô cùng tai hại . 
Giải mã lãnh tụ 
Cụ Hồ là một nhân vật vô cùng phức tạp , vô cùng thông minh , rất mưu trí , một con người sắt đá đến mức vô cảm , vô tình , sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt . Một ý chí thành đạt không gì lay chuyển . Đấy là một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời , một con người không có tình bạn , không có tình yêu gia đình , tình yêu con cái , một bộ óc nung đúc cuồng vọng , với một ưu tư duy nhất là phải leo lên tột đỉnh quyền lực để đạt tới mục đích của mình . Vì thế , ông ấy không chấp nhận một ai trong đám chung quanh là ngang mình . Không hiểu gì về lãnh tụ là điều nguy hiểm . Những ai từng coi thường Người , từng tỏ ra ngang hàng với Người , thì sau đều đã vĩnh viễn bị loại trừ ra khỏi tầm mắt của Người . Không ít kẻ đã mất mạng , mất cả xác . 
Vì vậy , cần phải biết giải mã lãnh tụ . Phải hiểu rằng ông cụ có tâm thức mình là bên trên tất cả , là một bậc kỳ lão gia trưởng luôn luôn toả sáng bởi một thứ hào quang thần thoại . Và , đám quần thần chung quanh ông cụ không tha thứ cho một ai dám tỏ mình ngang hàng với . Người . Từ những tay trí thức nổi tiếng tâm huyết như Nguyễn an Ninh , Phan văn Hùm ... , cho tới kẻ được đào tạo chính quy như Trần văn Giàu , và biết bao nhiêu trí thức có uy tín khác nữa , đều là những nạn nhân của thái độ ngang hàng như thế . Tất cả đều bị loại bỏ một cách tàn nhẫn và vĩnh viễn . Người ta kể lại rằng , Tạ thu Thâu đã chết mất xác vì câu nói : « Ngoài bắc có cụ , trong nam có ... tôi » . 
Ông cụ có quyết tâm không gì lay chuyển là được tận tay dẫn dắt dân tộc đi tới thế giới đại đồng . Dù khó khăn mấy , hao tốn mấy thì cũng phải hoàn thành cho bằng được . Vì thế nên ông cụ quyết tâm nắm bắt mọi cơ hội để đạt tới đỉnh cao , để củng cố quyền lực , bằng mọi giá , bất chấp những chuẩn mực của lương tri , của đạo lý , cứ như theo sách vở của Machiavel . Vì thề , ông cụ thấy con đường chuyên chính vô sản của xã hội chủ nghĩa là đúng nhất , tốt nhất . Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã không chú ý nhiều tới « cuồng vọng lãnh tụ » ấy , khi họ tìm hiểu ông cụ . Họ thấy phong cách lãnh đạo của ông cụ như thế là do bản năng tự nhiên . Bởi các nhà nghiên cứu ấy mang sẵn trong đầu những định kiến chính trị cổ điển , qua cái nhìn bị chói loà bởi những huyền thoại của bộ máy tuyên truyền . Các nhà nghiên cứu ấy đã vô tình sử dụng quá nhiều tư liệu là sản phẩm chính thống của đảng . Họ đã không hiểu những hành động cực đoan của cuồng vọng . 
Phải biết rằng huyền thoại và vóc dáng lãnh tụ của bác Hồ là tác phẩm của một công trình nghệ thuật hoá trang cao độ , một công trình điểm tô , giàn dựng , để công kênh ông cụ lên thành một nhà lãnh đạo uy nghi , kiệt xuất , như là bậc thần , bậc thánh , để dân chúng một lòng tin tưởng mà sùng bái . Ông cụ được tôn vinh làm bác , làm cha dân tộc . Họ dạy cho dân tiêu chuẩn lý tưởng : cái gì có giá trị thì cũng phải là của bác Hồ , của cụ Hồ . Nào là « cháu ngoan bác Hồ » , « cây vú sữa bác Hồ » , « nhà sàn bác Hồ » , cho tới « anh bộ đội cụ Hồ » . Từ đó đã biến thể ra thành cái nếp suy nghĩ rằng cái gì hay , cái gì tốt , cái gì có giá trị , thì cái đó phải là của bác , của đảng . 
Tại sao một đảng cách mạng , lấy việc giải phóng con người làm mục đích tối hậu , mà lại muốn biến tất cả thành sở hữu của lãnh tụ , của đảng cầm quyền ? Đấy không phải là tâm thức của con người đã được giải phóng , mà là tâm thức của con người đã bị mất tự do , vì phải nguyện làm nô bộc cho một vị chúa tể , cho một nhóm quyền lực . Đấy là do tình trạng đã quá sùng bái . Đấy là căn bệnh của chủ nghĩa ngu tín , chủ nghĩa cuồng tín . Phải giải mã những cuồng vọng bí ẩn , những sức ép giáo điều của ý thức hệ thì mới thoát ra khỏi tình trạng ngu tín và cuồng tín ấy . 
Có một điều rất đáng tiếc là các nhà sử học khi tìm hiểu về cụ Hồ đã bỏ qua một thứ tư liệu rất chính gốc , rất bộc lộ , rất chân thực , do chính đương sự là tác giả . Đó là ý nghĩa của những biệt hiệu hay những tên giả mà chính cụ Hồ đã tự đặt cho mình , qua từng giai đoạn mưu tìm đường hoạt động , lúc thiếu thời , khao khát tìm cách tiến thân , tìm đường hoạt động chính trị . Có những cái tên theo tiếng nước ngoài khá ngộ nghĩnh . Nhưng , đáng chú ý là từ khi tự đổi tên là Tất Thành ( 1911 ) , với khát vọng khiêm tốn là sẽ thành đạt , rồi cho tới sau này thì bỏ hẳn họ Nguyễn , để thay đổi , lấy lại họ gốc là họ Hồ , và chọn cái tên cực kỳ kiêu sa , coi mình là bậc Chí Minh ( 1945 ) . Nói chung , với cả trăm tên giả thường là rất tiêu biểu tâm thức như thế , đã phản ảnh một cách chân thực những bước chuyển biến trong đấu óc của « ông cụ » . Mỗi lần thay tên , đổi họ là một bước có ý nghiã trong hành trình vươn lên , đi tới để trở thành lãnh tụ . Đấy là quá trình diễn biến của sự hình thành một cuồng vọng . Phải phân tách cặn kẽ từng cái biệt danh ấy như là một dấu hiệu tâm lý chính trị , từ lúc chỉ mong có cơ hội thành đạt , cho tới lúc quyết tâm , bằng mọi giá , mọi cách , để đạt tới tột đỉnh của quyền lực như là một ông vua ( Vương ) , là một người yêu nước chân chính ( Ái Quốc ) , là một lãnh tụ thông minh bậc nhất trong thiên hạ ( Chí Minh ) . Thật ra , trong xã hội phong kiến , những danh hiệu ấy chỉ có thể do người đời phong tặng cho những nhân vật lịch sử được người đời sau công nhận là xuất sắc , xứng đáng mang những danh hiệu ấy . Nhưng , đây lại do chính đương sự ngay trong hiện tại đầy vấp váp , đã tự mình tặng cho mình ... Một nhà túc nho , một người trí thức có đầu óc tình táo , có liêm sỉ , một bộ não minh triết thì không bao giờ dám tự ý xưng mình như thế . Thật khó giải thích , một kẻ tự coi mình như là « ông vua » , là bậc « quân tử » siêu phàm , mà lại có hoài bảo làm môt nhà cách mạng , một chiến sĩ vô sản , Cộng Sản . Sự công khai tự tôn vinh mình lên một cách quá trớn như thế cũng không phải là thái độ của một bậc chí nhân , chí thánh . Đấy chỉ là những biểu hiệu của một thứ sở cuồng lộ liễu , lỗ mãng , một thứ bệnh tâm thần đam mê đến mất thăng bằng về mặt lý trí , liêm sỉ , đạo lý . Khi tự xưng tụng mình một cách thượng đỉnh , tối cao như thế thì chỉ có thể là vì đã quá khao khát danh vọng . 
Ngoài ra , còn có thể tìm hiểu nội tâm , chí hướng của nhân vật lịch sử này qua một công trình phân tích mang tính phân tâm học của từng chữ , từng câu mang nặng một khát vọng , trong hai tập sách tuyên truyền « Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch » và « Vừa đi vừa kể chuyện » để thấy rõ từng bước chuyển biến tâm lý , từ lúc chỉ mong được nhận vào trường thuộc địa của « mẫu quốc Pháp » với hy vọng được ra làm quan , cho tới lúc quyết tâm trở thành một lãnh tụ cách mạng . Nhờ những phát tiết lỗ mãng của cuồng vọng như thế , mà ông cụ đã tạo ra một thời chính trị vô cùng phức tạp , điên đảo . Một thời mà mọi người đều thấy rằng phải đạp lên lương tri , đạo lý để « cướp quyền » , để thành công , để chiến thắng . Thời ấy là thời làm chính trị thì phải biết « mặc áo cà-sa » , phải biết đột nhập vào hàng ngũ đối phương , nghĩa là phải biết đánh lừa mọi người . Những lời kể chuyện ấy đều là những thú nhận của một tâm thức , tuy là độc đáo , nhưng không mấy cao cả . Đấy chỉ là bí quyết hành động , trong một đại bi hài kịch của lịch sử . Thành ra qua những cái tên mang mặc cảm tự sùng bái mình như thế , chúng ta có thể hiểu lãnh tụ có đầu óc , có tâm trí , có đạo lý như thế nào . Napoléon , Hitler cũng đều đã là những lãnh tụ có tâm thức tự cao tự đại , nhưng không gian trá đến mức quá tệ hư thế . Bởi họ còn thua bác Hồ ở chỗ không biết tự ngồi viết sách để tự đề cao chính mình . Thật tình , một người hết lòng vì nước vì dân , một chính danh quân tử , một trí thức lương thiện , thì không thể tự khoe mình , tự viết sách để ca tụng mình một cách ngông cuồng lộ liễu như vậy . Lịch sử đã mang dấu ấn của một tham vọng , một mưu trí tột đỉnh tự tôn . 
Thực tế mà nói , ông cụ biết rằng trình độ tư tưởng , lý luận cách mạng , thì mình không làm sao so được với những Trần Phú , Lê hồng Phong , Hà huy Tập , Nguyễn văn Cừ , là những người được đào tạo chính quy , ngay cả với Trường Chinh cũng vậy . Thế nên phải tìm cách chế ngự các đối thủ ấy . Phải cố nêu gương , phong cách sống cao thượng , thanh đạm của một chân nhân để tỏ ra mình là nhà cách mạng chân chính . Vì một lẽ giản dị là đời sống và hành tung đa dạng , đa phương , muôn mặt , muôn vẻ rất ly kỳ , đầy bí mật của cụ Hồ , lúc xuất quỷ , lúc nhập thần , như thế nên không ai sánh được . Guồng máy tuyên truyền cách mạng dạy dân phải sống và làm việc theo gương bác Hồ . Nhưng , làm sao một người bình thường có thể sống với tung tích không rõ rệt , gốc gác đầy bí ẩn , với nhiều tên , họ lung tung , với đường lối hành động muôn mặt như bác Hồ được . Phải có cái đầu cực kỳ mưu trí mới có khả năng dựng nên những huyền thoại của cuộc đời đầy phiêu bạt , nay đây , mai đó , với cả trăm cái tên giả khác nhau , làm nhiều nghề vinh nhục khác nhau . Hành trình gập ghềnh , khúc khuỷu của bác Hồ thì khó ai có thể đi theo . Từ một chú bé học chữ nho ở trong làng , từ một cậu học trò nghèo sống vất vả ở Huế , từ một ông thầy giáo quèn ở Phan Thiết , từ một anh bồi hầu hạ quan Tây trên tàu thuỷ , từ một anh thợ chụp ảnh dạo ở Paris , từ một kẻ mượn danh một nhóm aí quốc « An Nam » viết báo , viết kiến nghị gởi hội nghị quốc tế , từ một đảng viên đảng xã hội Pháp , nay bỗng xuất hiện ở Nga , mai lại là một cán bộ ở bên Tàu , nay bị Đệ Tam Quốc Tế loại trừ vì có đầu óc « quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi » , mai lại thấy chạy về ẩn náu ở Tàu Cộng , ở Xiêm , rồi sau lại thấy xuất hiện trở lại ở Liên Xô , nhưng chỉ được chầu rìa bên lề đại hội kỳ 5 của Đệ Tam Quốc Tế , chứ không được làm thành viên của đoàn đại biểu chính thức của phong trào Cộng Sản Đông Dương . Rồi sau lại thấy bác xuất hiện với bộ áo cà sa ở Xiêm , rồi trong quân phục giải phóng quân Tàu Cộng khi được nhận vào làm việc trong « bát lộ quân » của đảng Cộng Sản Tàu Cộng , có lúc thì sống như một dân Hán tộc ở Liễu Châu , ở Quế Lâm , Thượng Hải , Trùng Khánh , Côn Minh . Sau biết bao nhiêu truân chuyên , rồi bỗng bác nổi bật như một nhà chính trị , một lãnh tụ cách mạng . Một con người đa năng , muôn mặt , muôn ý hướng phức tạp như thế , ai mà làm theo , noi theo tấm gương ấy được . 
Từ kinh nghiệm cực kỳ cơ hội đó , cực kỳ muôn mặt đó , người dân rút ra bài học rằng , muốn sống , muốn thành công như bác Hồ thì phải biết sống muôn mặt , vừa đạo đức vừa thủ đoạn , để thành đạt . Đấy là lối đạo đức cách mạng thực tiễn , xu hướng ấy nay vẫn còn rất phổ biến và rất phát triển trong chế độ xã hội chủ nghĩa theo định hướng kinh tế thị trường . 
Chính trị cũng như khoa học , nghệ thuật , tôn giáo , tất cả đều là những phương cách phục vụ con người . Nhưng , khi nói tới tội ác của chính trị , của khoa học , của tôn giáo thì đều do con người , tại con người đã sử dụng chúng . Triết học cũng vậy , triết học phải luôn luôn đi theo con đường chân thật của trí tuệ , con đường tôn trọng đạo lý , tôn trọng chân lý . Nhưng , khi triết học ngả theo con đường của quyền lực , thì nó không còn là triết học nữa , mà trở thành một thứ tà thuyết , một vũ khí của ma quỉ . Bởi thế , khi một bộ môn tư tưởng mang mầu sắc chính trị thì sẽ vô cùng tai hại vì người chủ trì bộ môn ấy . Mầu sắc chính trị sẽ dẫn đi loanh quanh vào những ngõ ngách dối trá và sai lầm . Triết học là đi tìm phương pháp suy tư đi tới sự thật , là để dẫn dắt con người đi tới những giá trị bền vững của cuộc sống , tức để con người bớt đau khổ , để đi tới hạnh phúc . Bài học lớn của triết học là giàn xếp bằng lý luận trí tuệ mọi mâu thuẫn , mọi xung đột , bằng tình thương giữa người và người , người với thiên nhiên , người với vũ trụ bao la . Nhưng cho tới nay , con người vẫn chưa mấy lắng nghe , chưa mấy ai hiểu thấu bài học lớn ấy . Vì thế mà kẻ làm chính trị thường sai lầm khi bất chấp sự thật , khi không tôn trọng con người , không tôn trọng thiên nhiên , vũ trụ . Trong lịch sử đầy rẫy những con người vì cuồng vọng lãnh đạo , nên đã làm hỏng chính trị , đã tàn phá con người . Bi hài kịch ở chỗ con người luôn luôn ưa thích đến cuồng nhiệt để được làm con rối trong trò chơi phá phách xã hội , phá phách thiên nhiên và phá phách cả chính mình . 
Trích đoạn phần kết của sách 
Điều đang tiếc , đáng buồn mà ít ai biết được rằng , chính con người Trần Đức Thảo , một thời từng chân thành tự nhận mình là người mác-xít ấy , lúc cuối đời đã giác ngộ , đã can đảm nhìn nhận thái độ a dua hèn hạ , đã thú nhận sai lầm của mình , để bác bỏ , phủ nhận những gì đã viết trong cái thời sai lầm vì cuồng tín ấy . Và từ đó , nêu ra nhận thức mới , để đánh gía laị tư tưởng , sự nghiệp , với vấn đề công tội của Marx . 
Dù thế nào , thì việc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp Trần Đức Thảo sẽ là một công việc khó khăn . Bởi việc trả lại công lý cho Trần Đức Thảo cần tới lòng dũng cảm , cần có tinh thần lương thiện trí thức , cần tới trí tuệ . Bởi con người ấy đã sống , đã nghiên cứu , đã trải nghiệm trong bối cảnh đầy nhiễu loạn tư tưởng , đầy diễn biến đau đớn vô cùng sôi động , vô cùng phức tạp , trong cái thời lương tri lu mờ , vì chiến tranh , vì cách mạng , tức là cái thời gian đầy những thủ đoạn chính trị , những mưu kế gian xảo , vừa ngu tín vừa cuồng tín . 
Không ít người cho cuộc đời ấy là một thất bại , vì đã không biết thoả hiệp với quyền lực đương thời , không biết thích nghi dù chỉ là trong một giai đoạn tạm thời , để «đi với Bụt thì mặc áo cà-sa , đi với ma thì mặc áo giấy » . Nhưng , cũng chính nhờ vậy mà nay những gì nhà triệt học để lại đều thuộc về một sự nghiệp khả tín , chân thật . Không rõ sự thất bại trong chính trị của nhà triết học , cuối cùng có được coi là một thành tựu có ích cho triết học ? Dù thế nào thì cuộc đời ấy cũng là sự trải nghiệm tuy đau đớn nhưng quý hiếm trong hiện thực khai triển cách mạng , chứ không phải trong sách vở . Đây là một bài học về sự vận động của thời gian , do con người , cho con người và cho xã hội , trong lịch sử cận đại . 
Có người khẳng định Trần Đức Thảo đã thất bại vì cái tội ngông cuồng muốn làm một việc không thể làm , là trở về quê hương cùng cụ Hồ xây dựng một mô hình cách mạng mới mẻ mà loài người mơ ước . Và ông đã chết vì tội thứ nhì là lúc cuối đời ông cố chứng minh cái gốc của mọi sai lầm và tội ác do cụ tổ Marx , trong khi cung đình vẫn sùng bái , vẫn quả quyết bảo lưu rằng Marx « đúng » , « duy nhất đúng » . Nhưng , cả hai tội vừa kể đều không thể coi là tội , bởi mơ ước và hành động sám hối chuộc tội đều là quyền cơ bản cao quý của con người trí thức chân chính . 
Trần đúc Thảo đã có nhận xét về một thời lịch sử bị làm hỏng , làm bẩn , mà người ta khéo léo gọi đó là một thời đầy những mảng tối . Hy vọng rồi đây , sẽ tới một thời trong sáng , sạch sẽ , liêm khiết , một thời dũng cảm , để làm công việc giải tà , don rác cho lịch sử , chứ không phải để cố duy trì những cái « duy nhất đúng » . Bởi những cái « duy nhất đúng » ấy đã làm ô danh cả lãnh tụ lẫn cả cách mạng ... 
Đấy là một con người tàn tạ trong gian nan , hối hận . Đấy là một cuộc đời bi thảm , mang đầy thương tích thối tha của hận thù và bạo lực . Nhưng bộ óc ấy vẫn trong sáng , không oán thù ai , mà chỉ hối hận về sai lầm , về sự im lặng của chính mình , mang tội đồng loã với sai lầm trong một thời gian quá dài . Đấy là công tội của một kẻ tôn thờ chân lý . Không ít người cho đấy là nỗi đau , một thật bại của nhà triết học , khi đã dại khờ lao mình vào đống rác của lịch sử với giấc mộng cuối cùng , là từ đó sẽ mang công sức và trí tuệ của mình ra để làm sạch lịch sử , làm sạch cách mạng.

1 comment:

  1. Mới biết thêm nhiều chi tiết về triết gia T Đ Thảo. LIKE! Thnx Xth nghe!

    ReplyDelete