LẤY VỢ
Xuân về, vạn vật bừng sống. Mọi thứ nhắc nhở sinh vật sống phải có đôi.
Tội nghe các cụ bảo:"Lấy vợ, lấy chồng như gông đeo cổ". Thế nhưng có có lẽ người trần nhiều tội, biết lấy vợ là bị gò bó, khổ sở nhưng ai cũng vẫn thèm có vợ có chồng. Đọc tiểu thuyết, thấy mấy người may mắn lấy vợ tâm đầu, ý hợp, sướng hơn trúng số độc đắc, tôi thèm quá
"Vợ hát, chồng khen hay. Chồng hát, vợ khen hay".
"Đồng vợ đồng chồng, tát bể đông cũng cạn".
Trúng số độc đắc khó lắm. Bởi thế, nhìn quanh mình chỉ toàn nghe thiên hạ thở dài thườn thượt
Vợ thiên hạ giống như Hằng Nga
Vợ mình thì giống con khỉ già !?!
Một ông quen tôi bảo thế. Ông kể, mới quen các bà chưng diện lộng lẫy mỗi lần hò hẹn. Ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt như miá lùi. Anh nói chi, em cũng dịu dàng vâng dạ. Lấy xong vài năm, các bà mát da mát thịt mập ra độ vài chục kí lô. Ở nhà chuyên mặc quần áo cũ và rách (quần áo đẹp để dành cho thiên hạ ngoài đường ngắm). Các bà hét con và ông chồng như tướng chỉ huy lính tập, lúc nào cũng nhăn nhó, cằn nhằn. Có phải là giống con khỉ già không?
Ba má tôi dặn phải lấy vợ Việt Nam để giữ dòng giống. Mỗi lần đi xem đại nhạc hội hay xem văn nghệ Việt Nam, gặp nhiều cô xinh đẹp lộng lẫy, tôi mê quá. Nhất là khi đi xem Tết Tổng Hội sinh viên, áo dài phấp phới đủ màu. Tim trai trẻ đập thùm thụp.
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa màu áo tím.
(Nguyên Sa)
Lạc trong vườn hoa. Hoa hồng, hoa huệ, hoa hướng dương ... mỗi hoa một vẻ. Hoa nào cũng đẹp. Hoa nào mình cũng thích mà vườn mình nhỏ bé, chỉ đủ chỗ cho một loài hoa thôi. Bời vậy phải chọn cho kỹ, sai lầm sẽ khổ cả đời. Các đàn anh dạy: muốn chọn đúng phải biết người biết ta.
Biết người khó lắm. Nhiều cô gặp đêm dạ hội giày cao gót, đầu phồng tưởng cao ráo. Hôm sau gặp lại, các nàng mang giầy thấp rượt xe điện ngầm cho khỏi té nên tự nhiên thấp đi cả tấc. Hôm trước nhảy xì lô nàng đứng dến vai ta, hôm sau chỉ còn đến nách.
"Người đẹp vì lụa". Giữa tiên nữ mặc áo dài lụa hôm dạ hội và nàng thường dân quần bò, áo thun, giày chạy bộ sao mà khác nhau thế. Cứ như là Charlize Theron ngoài đời và trong phim "Quái vật". Nàng Charlize Theron bình thường sửa soạn trông đẹp đẽ, thanh thoát. Trong phim hóa trang thành mụ già xấu xí thâm hiểm. Chả biết Charlize Theron nào là thật? Các cậu trẻ sợ nhầm có cách hay là mời các nàng đi bơi. Mong nhờ nước rửa sạch son phấn phù phiếm. Thế nhưng nghe nói nhiều bà rất giỏi, đi tắm hồ bơi mà đầu chả ướt tí nào, vẫn như mới ra khỏi tiệm uốn tóc. Son phấn hình như cũng có loại xuống nước không trôi ! Áo tắm cũng có loại vừa nịt bụng vừa độn ngực? Nếu thật vậy, đàn ông chúng ta chỉ còn nước đi chùa lạy Phật. Mong sao sau hôn lễ, không thấy nàng hạ thồ xuồng giày cao gót một tấc. Sau đó, nàng lột tóc giả, răng giả, lông mi giả, ngực giả, mông giả, lau son phấn ... biến thành người khác !!!
Ngoài ra còn vấn đề tìm hiểu xem có hợp tính nết không? Tìm là một chuyện. Hiểu hay không là chuyện khác. Các bà các cô khó hiểu lắm. Bởi thế các cụ nói chỉ có trời mới hiểu được đàn bà. Hình như đàn bà nói có là không, nói không là có. Đại loại khi các cô nói em ghét anh quá cũng phải hiểu nhiều nghiã khác nhau. Các đàn anh giải thích:
"Em ghét anh quá" mà môi cong cớn, người giãy nhè nhẹ như cảm lạnh, mình phải hiểu ngược lại là nàng thích mình.
"Em ghét anh quá.á.a..a...à..." cũng tưà tưạ như vậy
"Em ghét anh quá" nói cụt ngủn, ta phải xuống nước năn nỉ gấp nếu muốn gặp lại nàng.
"Em ghét anh" gằn giọng với cặp mắt trừng trừng, ta chạy trốn luôn để bảo toàn thân xác.
Nghe và nhìn các bà nói chuyện mới thấy tiếng Việt Nam thật phong phú.
Đã thế, các cô bên này văn minh kiểu khôn lắm. Hòa nhập văn hóa chỉ lúc nào tiện lợi cho các bà, các cô. Tiền chia theo kiểu Việt Nam, hầu bao đàn bà quán xuyến. Đi chợ ăn hàng, sắm sửa chi các ông không được hó hé. Nếu không sẽ bị mắng bần tiện: "Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành". Nhà cửa vườn tược phải theo Tây. "Ở Âu Mỹ rồi, ai lại để đàn bà làm vườn, lau nhà, rửa chén?" Nhiều bà còn bắt chồng đi ở rể hầu hạ nhà vợ nữa. Hiểu được các cô hoà nhập văn hoá cỡ nào, Việt bao nhiêu phần trăm và Tây phương bao nhiêu phần trăm là cả một vấn đề.
Nhiều người khuyên tôi trước khi lấy vợ phải sống chung một thời gian để đỡ sợ nhầm:
"Thức đêm mới biết đêm dài "
Tôi cũng đồng ý nhưng sao khó thực hiện với mấy cô Việt Nam! Cô nào nghe hỏi cũng lắc đầu quầy quậy. Cha mẹ các cô xúi các cô rằng "Sạp trái cây người ta mà ai đi qua cũng cạp thử một miếng thì còn gì nữa?". Thế nhưng mấy anh bằng cấp cao, nhà khá giả, các cô hăm he đến đòi ở chung rầm rầm. Trong trường hợp này, họ ở thiệt chứ không ở thử. Các ông có muốn rút lui cũng chả chạy thoát. Các cô quên thuốc ngừa thai vài chục lần trong tháng, có bầu thì đàn ông chúng ta đành nhắm mắt đưa thân lãnh trách nhiệm. Ca dao có câu chí lý:
Bắc thang lên hỏi ông trời
Đem "thân" trao gái có đòi được không?
Biết người đã khó, biết ta muốn gì còn khó hơn nữa? Hồi nhỏ ở Việt Nam, tôi cứ mơ ước trời đổ tuyết để đi dạo trên tuyết như Xi- nê. Qua Âu Mỹ, thấy trời tuyết, lòng ngán ngẩm, chỉ mong trời nóng như ở Việt Nam. Tôi cũng từng mê một chị lớn rất văn nghệ, đàn hát tuyệt vời. Về sau, chị đi lấy chồng. Cuối tuần thấy chồng chị đi chợ, nấu ăn, rửa chén, chăn con, giặt ủi ... để chị yên thân họp bạn văn hoá, ca nhạc, tôi vỡ mộng.
Tưởng tượng lấy người văn nghệ như vậy về sẽ:
Bên anh đọc sách, bên nàng ngâm thơ. (Kim vân kiều, Nguyễn Du)
Thơ mộng biết bao. Sự thật lại phũ phàng vì chuyện cơm áo. Nếu nàng văn nghệ vậy, ai nấu ăn giặt ủi, chăn con?
Các cụ bảo "Cái nết đánh chết cái đẹp". Nghe lời các cụ thì lấy vú già cuả mình là đúng nhất. Già xấu chả sợ ai dòm ngó mất vợ, lại đảm đang nhà cửa cơm nước, hầu hạ nhà chồng và làm lụng gầy dựng cơ ngơi cho chồng. Hình như ngày xưa các cụ toàn lấy vợ cho con kiểu đó. Thằng bé năm bảy tuổi đã bị các cụ dúi cho một chị mười tám, hai mươi, nhà nghèo, kém nhan sắc nên phải chịu cảnh làm nô lệ không công. Ngày quần quật làm việc nhà và việc đồng áng. Tối về làm vú, ôm ấp anh chồng bé tí teo. Lê Kiên tả cảnh này rất hay trong truyện "Người thợ thêu ở Huế ". Ca dao diễu cợt:
Chiều chiều bế chồng đi chơi
Đi ngang chỗ lội đánh rơi mất chồng
Anh chị em ơi cho tôi mượn cái gầu sồng
Để tôi tát nước, vớt chồng tôi lên.
Các nhà văn thổn thức tội nghiệp các nàng vợ - vú ấy mà quên mất nỗi khổ của đàn ông chúng tôi. Lấy vợ già xấu vì tính toán chuyện cơm áo phàm tục, có gì là thơ mộng, say mê? Bỏ vợ già đi theo tiếng gọi của ái tình, lương tâm cắn rứt. Nghĩ tình nghiã không bỏ vợ, mình đau khổ mãi vì thèm lấy vợ khác mà phải cắn răng sống với người mình không yêu thương.
Anh nhìn các cô, anh chảy nước miếng
Anh nhìn vợ anh, anh chảy nước mắt
Chả biết ông nào sáng tác hai câu này nghe phũ phàng mà đúng thế !
Tục tảo hôn này tuy đã bỏ nhưng đàn ông Việt Nam sang đến Âu Mỹ vẫn còn nặng nợ gia đình, cha mẹ. Ba má tôi vẫn bảo:" Dâu mới thật là con, con gái là con người ngoài. Bởi vậy con chọn vợ phải để cha mẹ chọn phụ" !!
Chọn vợ cho một mình đã khó. Nay còn phải chọn cho vừa ý cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì, anh chị em họ ... chắc ế vợ đến chết. Trong mắt cha mẹ, con mình lúc nào cũng nhất. Đẹp trai, thông minh, giỏi giang, bằng cấp ... Các cô có phước lắm mới lấy được con trai họ. Nhiều ông dạng cán bộ ở rừng thiếu ăn, răng đen mã tấu, ăn nói cụt lủn, làm lương tối thiểu mà bà mẹ còn tuyên bố hùng hồn rằng:
"Con tôi như con công, phải lưạ vợ xứng đáng, không cặp với mấy con gà".
Con cụ tuyệt vời thế, chắc chắn ít người tương xứng. Đã thế các cụ rất thực tế về chuyện vật chất. Vợ ở nhà tiêu vào tiền các con cụ, ngay lập tức cả họ xúm vào dằn vặt nạn nhân:
"Ủa ở nhà không đi làm chán chết. Ba mợ chỉ hỏi thế thôi, nhớ đừng giận (mặc dù có gọi điện thoại hỏi như vậy mỗi ngày ba bốn lần)".
Ông chồng phụ vợ rửa chén một tí, các cụ mặt một đống:
"Tay con trai ba mợ chỉ để viết bút lông thôi đấy nhé".
Các cô vừa dễ nhìn, vưà đảm đang, vừa đi làm đem tiền về đâu ra cho đủ làm dâu các cụ? Các cô thời nay đưa về giới thiệu mà các cụ hỏi vặn vẹo làm bao nhiêu tiền một tháng, có biết làm bếp không, hôn lễ xong nhớ mời các cụ đến nhà phụng dưỡng, ... các cô chạy mất. Cha mẹ đã khó khăn còn thêm đám em. Tục ngữ có câu: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng". Mấy bà em chồng, con dâu cũ trong nhà chồng dữ lắm. Càng lười dở, xấu xí chừng nào càng hạch sách, kiếm chuyện chừng nấy. Bà Kim cương ngày xưa nổi tiếng ở Việt Nam nhờ đóng mấy vai nàng dâu bị nhà chồng hành hạ "Lá sầu riêng", "Bông hồng cài áo" ... Các bà xem kịch xưa khóc mùi mẫn. Khóc thương Kim Cương nhưng vẫn kiếm chuyện với chị em dâu, con dâu !!!
Cha mẹ, gia đình dù như cái nợ nhưng không bỏ được. Các cô lấy chồng Việt Nam phải thông cảm. Y như đi mua đinh ở Castorama hay Best Buy. Cần có một cái đinh nhưng mua phải mua cả gói: đinh to, đinh bé, đinh cha, đinh mẹ, đinh con ...
Lấy vợ Việt Nam phức tạp quá. Nhiều khi tôi cũng nghĩ đến lấy đầm. Nhà Việt Nam kỳ lắm. Với con dâu Việt nam, họ đòi hỏi đủ chuyện. Con dâu đầm, họ chả dám hó hé bắt làm bếp, đưa đi chuà, đi chợ ... gì cả. Gia đình mình bớt kiếm chuyện, gia đạo cũng dễ êm ấm hơn. Hơn nữa, các bà Việt nam ngày nay hay hoá trang thành đầm. Nhuộm tóc nâu vàng, cắt mắt to hai mí dầy, mũi lõ như đầm. Lại bơm ngực, bơm mông, mặc quần bò đi sùng sục, ăn nói thẳng đuột, xử sự như đầm. Nếu lấy Việt Nam giả làm đầm, ta lấy đầm chính hiệu cho xong. Dùng hàng thiệt dù sao cũng hơn hàng giả. Tuy nhiên, cha mẹ nghe thế lại giẫy nẫy. Cậu nào lấy vợ ngoại là bị dè bĩu "Anh ấy bị đầm bắt". Chưa kể họ hàng, bạn bè các cụ hùa vào tội nghiệp cậu con trai bị xỏ mũi. Mấy ông bà này hay chê nơi người khác những tật xấu của mình. Họ và con gái họ chắc chắn cũng xỏ mũi chồng, thế mà đi nói xấu thiên hạ. Quý vị không tin cứ hỏi lén mấy bà mẹ chồng, chị em chồng họ xem? Vả lại, hình như đàn ông thích được xỏ mũi? Thiếu gì ông phải trả tiền các cơ quan mai mối để tìm người xỏ mũi họ dùm !
Lấy đầm sợ cha mẹ không bằng lòng. Việt nam ở Âu Mỹ phần lớn thành đầm ... rau muống. Nửa nạc, nửa mỡ như thịt ba rọi. Việt nam chả giống Việt Nam, đầm cũng không hẳn là đầm. Victor Hugo, Michel Ange, Picasso ... các bà mù tịt. Nguyễn Du, tranh Đông Hồ, chùa Hương ... họ cũng không biết, chỉ biết có Giorgio Armani với Christian Dior ... May ra các cô ở Việt Nam còn nhu mì, chịu đựng? Nghĩ vậy, tôi cũng cố theo chân nhiều ông tìm đường về Việt nam lấy vợ chính gốc. Các cụ xưa khuyên:
Trai khôn tìm vợ chợ đông ...
Ra chợ Sài gòn tìm vợ. Mới hó hé vờ vĩnh hỏi hàng hoá, trả giá vài câu đã bị rủa xả đủ thứ từ ngữ khủng khiếp. Lúc đó mới hiểu rõ thế nào là văng tục như hàng tôm, hàng cá. Có cậu nghe nói còn bị các bà Việt nam ở chợ xách dao rượt? Ai nói bậy là con gái Việt nam hiền lành hơn đầm? Sợ quá, lên chỗ Việt Nam văn minh ở các vũ trường, các nơi ăn chơi sành điệu. Các cô Việt Nam ở đây sửa soạn lộng lẫy, ăn nói thỏ thẻ đến lịm người:
"Anh ở ngoại quốc về hèn chi trông trắng trẻo đẹp trai ghê".
"Anh nói chuyện có duyên quá, hổng hiểu sao mới gặp anh, em đã mến thich anh liền"...
Hai ba cô đầu tiên nói vậy, thằng bé tôi tít mắt, sướng run người. Đến cô thứ chín, thứ mười nói thế, tôi mới giật mình tỉnh ngộ nhớ tới phim Pháp nổi tiếng "Em thấy anh đẹp trai quá " cuả đạo diễn Isabelle Mergault năm 2005 . Phim thuật truyện một nông dân Pháp đã quá năm mươi tuổi sang Rumania, một xứ cựu cộng sản nghèo mạt, nhờ một cơ quan mai mối tìm vợ. Ông này già, nhỏ bé, cục mịch, răng hô, đầu hói. Thế mà các cô trẻ đẹp xếp hàng dài xin theo ông về Pháp hầu chăn gối. Bà nào cũng nhắm tít mắt nói " Em thấy anh đẹp trai quá" ... Tôi phân vân tự hỏi hổng lẽ nhan sắc trai trẻ cuả mình cũng cỡ nhân vật này nên các cô gặp tôi cũng nói y hệt như thế? Hoá ra nghèo quá, thấy ai có tiền cũng thành đẹp. Hễ có điều kiện cung cấp vật chất, giấy thông hành đi sang xứ tư bản là lập tức thành người đàn ông lý tưởng cuả các cô Việt Nam. Mấy ông bạn Á rập, Phi Châu về nước, ông nào cũng được cho uống nước đường, cũng được các cô bản xứ bám lấy khen đẹp trai, có duyên như thế. Trai trẻ chỉ mong gặp mối tình lớn như hoàng tử André Bolkonski trong truyện "Chiến tranh và hoà bình " cuả Léon Tolstoï hay anh chàng trong phim "Love story". Hạ mình chấp nhận lấy một cô chỉ coi mình như một túi tiền và cái giấy thông hành thật đáng buồn, chẳng ai muốn. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mấy ông về Việt nam lấy vợ phần nhiều là các ông già tuyệt vọng, hám lấy vợ trẻ kiểu dân Âu Mỹ đi du lịch sinh lý (sex tours).
Con nhà tử tế ở Việt nam hẳn cũng có, tuy nhiên làm sao quen biết và tìm hiểu trong dăm bữa nghỉ hè? Đi ngoài đường cua gái bậy bạ, con nhà tử tế ai trả lời mình? Ba má tôi lúc nào cũng dạy con đi đường chớ trả lời người lạ.
Lấy vợ được người tử tế, hợp tính nết khó như đãi cát tìm vàng. Con người ta lại còn thay đổi theo thời gian và môi trường sống. Cây chuối ở Việt Nam tươi tốt sai trái, về Pháp quèo quặt. Nhiều bà lúc trẻ hiền lành, lấy chồng vài năm thành dữ như sư tử Hà đông. Hỏi tại sao, các bà ấy trả lời: "Đi với bụt mặc áo cà sa, Đi với ma mặc áo giấy ". Ông chồng bị sỉ vả là ma nên chỉ đáng cho các bà mặc áo giấy? Bởi vậy chọn vợ cũng phải nhìn lại mình. Lười như hủi, trồng hoa lan sẽ chết lên, chết xuống; trồng hoa dại Pissenlit chả phải chăm nom vẫn nhởn nhơ tươi tốt. Tuy nhiên, phải lỡ dại một lần mua xe Porsche, nhỏ xíu, không chỗ ngồi, đắt tiền bảo quản, tốn xăng mà cũng chẳng gì sướng lắm; sau đó mới can đảm an phận với xe nhỏ, xe thùng, ... phù hợp với điều kiện sống cuả người trung bình như mình hơn.
Đàn ông chọn vợ cũng khó như các bà kén chồng.
Thân.. "anh" như tấm luạ đào
Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai?
Ca dao
Tác giả: Bùi Hoàng Yến
Đọc xong chuyện thiên hạ mới thấy Thich Chup Anh sướng như tiên !!!
ReplyDeleteMình thấy tên baì hai chữ "Lấy Vợ' mình khiếp hồn khiếp vía! Không dám đọc nên không biết vì răng TC Ảnh sướng như tiên???
ReplyDelete