"Nhiều
giáo viên tiểu học bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu để viết theo.
Như thế là chạy theo thành tích, bóp nghẹt tư duy sáng tạo của trẻ", cô
Vũ Thị Mai Chi (giáo viên giỏi Tiểu học Nam Thành Công) chia sẻ.
>Những câu văn khiến người lớn giật mình /Trẻ được dạy học thuộc lòng văn mẫu
Có hơn 20 năm kinh nghiệm dạy học sinh tiểu học, cô Vũ
Thị Mai Chi, giáo viên Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) cho biết, dạy
văn cho trẻ cấp 1 rất nan giải. Học sinh còn bé, phải nói nhiều và tìm
phương pháp để các em có thể tiếp thu. Mặt khác, việc dạy kiêm nhiệm
nhiều môn ở tiểu học cũng khiến giáo viên khá vất vả.
"Tiếng Việt, tập đọc đã khó rồi, tập làm văn lại càng
khó hơn. Đặc biệt, để truyền cảm hứng yêu văn cho trẻ đòi hỏi giáo viên
phải có phương pháp và thật khéo léo", cô Chi nói và kể, khi mới vào
nghề cô phải loay hoay tìm cách giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất.
Có tiết tập làm văn chỉ 40 phút nhưng cô dạy gấp rưỡi thời gian vẫn
chưa hài lòng.
Theo cô Chi, tất cả áp lực trên khiến một số giáo viên
thiếu kiên nhẫn, chọn cách bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu rồi viết
lại y nguyên. Cô Chi kiên quyết phản đối cách dạy trên bởi "đó không
phải là phương pháp mà là cách giáo viên chạy theo thành tích, bóp nghẹt
tư duy sáng tạo của trẻ". Ngoài ra, vốn từ của trẻ chỉ bó hẹp trong
khuôn khổ bài văn mẫu, khi gặp những đề khác chưa được đọc, được làm,
các em sẽ không biết triển khai hoặc viết rất ngô nghê.
Đồng quan điểm, nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại (nguyên
giáo viên Văn, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều) cho rằng việc bắt học
sinh học thuộc văn mẫu làm trẻ mất khả năng cảm nhận, khả năng diễn đạt
kém. Hơn nữa, để học thuộc bài văn mẫu là vô cùng khó, nếu đang viết dở
trẻ quên mất thì không biết làm tiếp thế nào.
Vợ thầy, cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên chuyên Văn
trường Trưng Vương kể, khi đón học sinh tiểu học lên, hầu hết không biết
viết văn. Cho đề miêu tả về hồ Gươm thì 40 em đều viết "hồ như một
chiếc gương hình bầu dục". "Đó là câu văn mẫu, một người viết thì hay
nhưng nhiều người viết đọc lên rất khó chịu", cô Dung nói và cho rằng
văn mẫu không hay bởi đó là văn của người lớn, trau chuốt, lung linh.
Bằng cái nhìn của trẻ, văn sẽ thật, xúc cảm và hay hơn nhiều.
"Thực tế có nhiều giáo viên tiểu học bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu để viết theo. Đây không phải là phương pháp dạy mà là cách các cô chạy theo thành tích", cô Chi nói. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Cho rằng việc dạy tập làm văn cho học sinh tiểu học
không phải dễ, song cô Kim Dung chia sẻ, chỉ cần chịu khó tìm tòi, biết
cách sắp xếp thời gian thì việc dạy tốt không phải là khó. Khi dạy trẻ
làm văn, hãy giúp các em xây dựng từ điển mini.
"Bố mẹ, thầy cô nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng văn mẫu
như tài liệu tham khảo, học cách bố cục, triển khai vấn đề chứ không
phải bê nguyên văn mẫu ra viết lại. Cá biệt có một vài em quá kém mới
hướng dẫn học thuộc văn mẫu để viết theo trong trường hợp bí quá, để dần
dần các em quen với làm văn và tự làm được", cô Kim Dung nói.
Cô Mai Chi cho rằng trong các giờ dạy văn, giáo viên
nên tìm cách truyền cảm hứng học cho học trò. Mỗi buổi học, cần tạo các
nhóm để học sinh thi đua nhau, tạo chủ đề học tập để hệ thống lại kiến
thức. Ngoài ra, việc tổ chức các trò chơi tiếng Việt như mở rộng vốn từ,
đố vui… sẽ khiến học sinh thêm hào hứng.
* Bài văn được điểm 10 của học sinh chuyên Toán Trưng Vương |
Còn theo thầy Đặng Đình Đại, trong quá trình dạy, giáo
viên cần linh hoạt hướng dẫn học sinh làm bài. Ví như bài đọc tả về hồ
Gươm, học sinh cả nước đều học chung. Nhưng ở từng địa phương giáo viên
nên đưa trẻ đi thực tế, hướng dẫn cách quan sát, miêu tả và từ đó uốn
nắn. Nên hướng dẫn các em tả những gì gần gũi, có thể quan sát được. Như
ở Huế nên tả sông Hương, ở buôn làng thì tả hồ ở bản..., không nên để
các em miêu tả trong tưởng tượng.
"Nói trẻ viết ngô nghê nhưng đó là theo cách nhìn của
người lớn, thực ra nó rất thật theo cái nhìn của trẻ. Giáo viên hãy
khuyến khích, khen sự tiến bộ của trẻ so với nó chứ đừng so với em khác.
Từ đó trẻ thấy mình tiến bộ, thấy thích học hơn. Vai trò của giáo viên
là định hướng và giúp trẻ miêu tả hay, đúng về kiến thức", thầy Đại nhấn
mạnh.
Theo thầy Đại, ở cấp một nên yêu cầu học sinh viết
đoạn văn, nhiều đoạn sẽ thành bài vì văn miêu tả ít khi đứng riêng biệt.
Với tư duy non nớt của trẻ, nếu yêu cầu viết một bài từ đầu đến cuối là
quá nặng.
Thầy Nguyễn Quang Ninh, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, có
nhiều con đường để người dạy giúp học sinh học giỏi môn văn. Nhưng
trước hết phải giúp các em biết cách tiếp cận đối tượng, cách làm bài.
Muốn học giỏi văn cũng cần học thuộc văn mẫu để lấy ý tưởng, cách triển
khai, câu từ, nhưng không có nghĩa là viết lại mà phải biến những chất
liệu đó thành của mình.
“Ở nhà tôi cũng cho cháu nội đi học thuộc văn, nhưng
không phải thuộc từng dấu chấm, phẩy mà là tổng quan về một bài văn. Ví
dụ như tả người thì cần giới thiệu về người đó, ngoại hình, nội tâm,
tình cảm của con dành cho người đó”, thầy Ninh nói và cho hay, ở trường
đại học, những giáo viên văn tương lai được trang bị lý luận cơ bản về
việc dạy học nhưng một số em sau khi ra trường vận dụng chưa tốt trong
quá trình giảng dạy.
|
Hoàng Thùy
Cám ơn TA...Học thuộc văn mẫu cũng có cái lợi..Đọc thơ nhiều làm tâm hồn bay bổng...Câu chữ mềm mại....trừu tượng và lãng mạn... Đọc văn nhiều mới thấy cái sâu của ý tứ...Cái logic của hiện tượng sự việc cần chuyển tải..phân tích, chứng minh..v.v...Tuy nhiên, học thuộc những câu sáo rỗng như một cấu trúc bắt buộc phải có thì không hay...TT nhớ hồi đó mỗi lần làm văn nghị luận chính trị bao giờ cũng có câu này trong phần kết luận: "Là học sinh dưới mái trường XHCN...em hứa sẽ...hay... em sẽ quyết tâm...." Sau này khi nhớ lại những dòng này mình rất buồn cười...Đó cũng là kỷ niệm khó quên của một thời xa vắng không quên....
ReplyDeleteViet van,lam tho ... gioi cung con la khieu nua TThuy ha! co nguoi mo mieng ra la vang tho , con nguoi kia thi van nat oc co duoc vai cau la may lam roi !:(
DeleteThái quá thành bất cập.
DeleteDạy các em học những mẫu văn hay là điều rất tốt(trong đám chúng ta , ai mà không thuộc lòng đoạn văn Thanh Tịnh "Sáng hôm ấy một buổi sáng đầy sương thu và giá lạnh..."? Me t thường nói , thấy cái gì hay thì đọc đi đọc lại cho nhớ, trộn những cái hay với nhau 1 cách khéo léo, từ từ nó hóa ra cái hay riêng của mình... :)
Nhưng như T nói, bắt trẻ học những điều sáo rỗng thì bậy hết sức...
TT nhắc lại cái câu :"Là học sinh dưới mái trường XHCN..." làm gợi nhớ cái thời viết như vẹt ấy. Buồn cười hỉ ! Hình như không có câu đó là không được, bài văn sẽ mất điểm !
DeleteKhuyên trẻ con đọc nhiều sách văn học và thuộc những bài văn hay thì được rồi. Ngày trước nhiều tác phẩm văn học nước ngoài học sinh còn thuộc được nữa mà.
ReplyDeleteNhưng đây là thầy cô giáo bắt học sinh học thuộc lòng văn mẫu để viết lại thành bài làm văn của mình! Chuyện quá lâu rồi và quá mức rồi. Cứ đọc các comments của phụ huynh và giáo viên là thấy ngay.
'Dạy trẻ học thuộc văn mẫu là bóp nghẹt sáng tạo'. Nói như vậy thì quá nhẹ nhàng. Sao cứ loanh quanh chuyện tác hại của việc thuộc văn mẫu trong dạy và học môn văn mà không thấy rằng đây chính là vấn đề giáo dục nhân cách. Chắc chắn không giáo viên hoặc người làm giáo dục nào là chịu để cho người khác nói rằng mình đang dạy trẻ con dối trá, hay nói cách dễ hiểu của đạo văn-plagiarism là dạy trẻ con "ăn cắp" hoặc làm ngơ trước hành vi "ăn cắp") nhưng thực sự là người ta đang vô tình dạy trẻ con như vậy đó qua cái chuyện chấm văn mẫu này là 1 ví dụ. Phải nói thật cay đắng như vậy thì mới lột tả hết được cái thực trạng giáo dục nhân cách trẻ con hiện nay!
Đừng quên đọc bài văn của hs chuyên toán lớp 7 được nhắc trong bài viết trên nhé.
ReplyDeleteTA
----------------------------------------------------------------
Bài văn điểm 10 của học sinh chuyên Toán
Dưới đây là bài văn được điểm 10 của học trò cũ Nguyễn Nam Anh (lớp 7H1, Trưng Vương) mà cô Nguyễn Kim Dung vẫn còn giữ. Cô cho biết, đây là bài văn chân thật, độc đáo, xúc động.
Đề bài: Cảm nghĩ về một loài cây (hoa) mà em yêu quý.
Bài làm
Ở nhà, người thân thường gọi em là Siren. Đó là tên một loài hoa ở Liên Xô, nơi ba mẹ em trải qua những năm tháng sinh viên. Một hôm, bác Kiên, bạn của ba mẹ đã cất công mang từ Matcova về một bó Siren để tặng em.
"Ôi, loài hoa ta từng được ước ao được biết đến là đây ư?". Ôm bó Siren, lòng em chợt chùng xuống mềm mại bởi sắc tím nao nao và hương thơi nhè nhẹ. Không rực rỡ như hoa cúc, không lộng lẫy như hoa hồng, những bông Siren thật dịu dàng và đằm thắm bởi mùi hương thanh khiết.
Thoạt nhìn, hoa Siren hao hao hoa dạ hương nhưng cánh tròn và dày hơn. Từng cụm hoa li ti. li ti như sao, kết lại thành chùm hình mái vòm. Lá Siren nom từa tựa hoa giấy, xanh thẫm, có cuống dài, mọc đối nhau.
Trông xa, toàn bộ cành hoa giống như cây nến xanh thắp ngọn lửa tím. Ba em kể: "Hoa mới nở thì mang màu tim tím như hoa xoan, khi sắp tàn thì chuyển dần sang màu trắng. Siren mọc thành cụm lúp xúp, bừng nở vào chớm xuân, khi tuyết vừa tan, nó thả vào không gian làn hương thơm mát". Em tò mò hỏi: "Vậy là Siren đem mùa xuân về hay mùa xuân kéo Siren thức tỉnh hả ba?". Ba lắc đầu "chỉ biết sớm xuân, khi tuyết vừa tan, mọi người đã thấy Siren vươn nhành".
Mẹ lại kể: "Thường mỗi bông Siren nhỏ chỉ có bốn cánh thôi, nhưng đôi khi lác đác trong chùm lọt một bông hoa năm cánh hiếm hoio.. Thế nên truyền rằng, ai tìm được bông hoa năm cánh sẽ là người vui vẻ, hạnh phúc".
Có thể em chẳng tìm được bông hoa năm cánh nào nhưng em vẫn hạnh phúc vì Siren là sợi dây vô hình gắn kết ba mẹ với nhau trước đây và cả sau này.
Miên man theo dòng hồi tưởng, đắm chìm trong hương hoa ngan ngát, em bỗng mơ đến nước Nga xa xôi, nơi những bạn nhỏ như em đang vui đùa bên bóng nắng tím của Siren. Nhắm mắt lại, em vẫn hình dung rõ mồn một hình ảnh rặng Siren tím trải dài hàng con phố.
Yêu nước Nga qua những câu chuyện của ba mẹ, em bỗng thấy đam mê loài hoa Siren đến kỳ lạ. Có lẽ ai đã từng nhìn thấy loài hoa này thì trong tâm hồn hẳn sẽ vương vấn sắc tím dịu dàng và hương thơm dịu nhẹ của nó.
Nhẹ nhàng kẹp một bông Siren vào quyển sổ tay, em muốn ướp cả sự thanh tao của nó và chợt hiểu vì sao Siren là một dấu ấn trong những kỷ niệm mà ba mẹ hằng nhớ về nước Nga thân thương. Em tự nhủ, mình là một bông hoa Siren năm cánh của ba mẹ.
Nam Anh
Cũng may là như 1 phụ huynh nhận xét, trong cái link đưa ra trong bài viết:
Delete"trong 100 con người bị đào tạo máy móc, sẽ vẫn nổi bật lên những thiên tài thoát khỏi các ràng buộc đó, mừng vì những còn các bài viết chân thật và tâm hồn trong sáng"
Đọc những bài như ri mới cảm nhận đúng mức sự may mắn của đám trẻ con chúng ta lớn lên ở hải ngoại. Mới lớp 1, cu A đã học viết văn, và cô giáo nhấn mạnh bài văn là của chính mình. Đôi khi thấy bài cháu lủng củng, chuyển tiếp không suông, t biểu nó chỉnh lại. Biết nó nói sao không, mẹ chỉ sửa chính tả cho con thôi vì con chưa biết đánh vần hết, nhưng không sửa mấy cái khác vì cô giáo nói con là tác giả, con làm chủ ý tưởng của con... Đã đời chưa? (t phải nói là cám ơn cách dạy tự do ngôn luận ở xứ này... chớ không lẻ đổ lỗi máu Quảng Nam?)
ReplyDelete:)