Sunday, May 26, 2013

TQ làm loạn biển Đông, Đông Nam Á sắm loạt vũ khí

(Quốc phòng) - Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng trên biển Đông, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mạnh tay chi tiền mua sắm vũ khí khủng.

Trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bất ngờ đề nghị đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với ASEAN thì trên biển Đông, nước này liên tiếp có những hành động gây căng thẳng như điều hơn 30 tàu cá khủng ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam, kéo dàn khoan - lọc dầu khí Lệ Loan 3-1 cao bằng tòa nhà 18 tầng từ Thanh Đảo cơ động tới một mỏ khí thiên nhiên ở 'một vùng nước sâu trên biển Đông'; dùng vũ lực trục xuất "tàu cá nước ngoài" đánh bắt tại vùng biển gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa...
 
Malaysia vung 3 tỷ USD mua liền 6 khinh hạm đắt nhất Đông Nam Á
 
Trong bối cảnh trên, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mạnh tay sắm vũ khí khủng. Trang mạng Strategypage của Mỹ vừa đăng tải thông tin, hải quân Malaysia đã ký hợp đồng mua 6 khinh hạm lớp Gowind của Pháp, mỗi chiếc có giá không dưới 500 triệu USD.
 
Strategypage cho biết, Cục công nghiệp đóng tàu Pháp vừa nhận được đơn đặt hàng mua 6 khinh hạm lớp Gowind, trị giá mỗi chiếc khoảng 500 triệu USD, tổng trị giá hợp đồng trên 3 tỷ USD, Malaysia cũng là khách hàng nước ngoài đầu tiên của lớp tàu này.
 
Khinh hạm lớp Gowind do Cục công nghiệp đóng tàu Pháp thiết kế, nhiệm vụ đóng tàu do Công ty DCNS chế tạo. Nó có thể tiến hành nhiều nhiệm vụ như: tuần tiễu ven bờ, chi viện tác chiến, tấn công tàu mặt nước và tàu ngầm địch.
 
Khinh hạm lớp Gowind có 3 kiểu, thiết kế giống nhau nhưng kích thước và lượng giãn nước khác nhau, gồm loại 1270 tấn, 1700 tấn và 1950 tấn, mỗi loại phục vụ cho một nhiệm vụ khác nhau.

Khinh hạm lớp Gowind của Pháp
Khinh hạm lớp Gowind của Pháp
Khách hàng có thể tùy theo nhu cầu sử dụng để mua 1 trong 3 thiết kế này, đồng thời, người sử dụng có thể chọn mua các hệ thống thiết bị và vũ khí, thậm chí có thể đề ra phương án cải tạo nâng cấp.
 
Nhìn chung, tàu được trang bị vũ khí khá toàn diện với 1 trong 2 loại tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon hoặc Exocet, tên lửa phòng không Mica hoặc Aster, cùng với các ống phóng ngư lôi chống ngầm. Ngoài ra tàu được tang bị máy bay trực thăng Eurocopter EC725 Super Cougar và 1 chiếc UAV trinh sát.
 
Đặc biệt, Gowind có khả năng tàng hình nhờ thiết kế vỏ tàu có tác dụng làm giảm diện tích phản xạ hiệu dụng và tản nhiệt động cơ. Ngoài ra, hệ thống radar và cảm ứng được lắp đặt trong một cột thẳng đứng ở giữa tàu giúp tăng góc nhìn lên 360 độ.
 
Indonesia mua 164 xe tăng chủ lực của Đức
 
Ngày 8/5, chính phủ Đức xác nhận họ đã phê chuẩn thỏa thuận bán 164 chiếc xe tăng đã qua sử dụng cho Indonesia, sau khi quốc hội Hà Lan năm ngoái đã từ chối một yêu cầu tương tự do quan ngại Indonesia có thể sử dụng chúng để đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số.
 
Theo một nữ phát ngôn viên thuộc Bộ kinh tế Đức cho biết, tổng giá trị của lô hàng trên vào khoảng 3,3 triệu euro (4,3 triệu USD), bà còn cho biết thêm rằng 104 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 và 50 xe thiết giáp chiến đấu bộ binh Marder 1A2, cùng 10 xe thiết giáp địa hình và bắc cầu cơ động, là những thiết bị quân sự cũ.
 
Hội đồng an ninh quốc gia của bà Merkel đã quyết định cấp phép xuất khẩu số vũ khí này trong các cuộc họp kín và thường giữ kín cho đến khi chi tiết được công bố trong các báo cáo xuất khẩu quốc phòng thường niên.

Indonesia mua tới 104 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2
Indonesia mua tới 104 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2
 
Nhưng chính phủ Đức đã buộc phải tiết lộ thông tin về thỏa thuận vũ khí với Indonesia sau một yêu cầu chính thức của nhà lập pháp Katja Keul thuộc Đảng Xanh đối lập.
 
Indonesia, lần đầu đưa ra yêu cầu mua số xe tăng này vào năm 2012 trong chuyến thăm của bà Merkel, đã cam kết không sử dụng chúng để chống lại nhân dân mình.
 
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Steffen Seibert đã bảo vệ thỏa thuận này và gọi Indonesia là một "nước đối tác quan trọng" đã từng nhận thiết bị quân sự của Đức.
 
"Indonesia, theo quan điểm của chính phủ Đức, kể từ khoảng năm 1998 đã trải qua một sự thay đổi chính trị sâu sắc theo một hệ thống chính trị dân chủ," ông nói. "Các nỗ lực cải cách của chính phủ Indonesia đang được tiếp tục."
 
Chính phủ của bà Merkel đã đẩy mạnh việc bán vũ khí cho các quốc gia mà họ xem là những đối tác chiến lược và gần đây còn phê chuẩn các thỏa thuận vũ khí gây tranh cãi cho Ả-rập Xê-út, Qatar và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất.
 
Philippines mua 2 khinh hạm mới, nâng tầm tác chiến biển Đông
 
Trước đó, Bộ Quốc phòng Philippines đã quyết định hủy bỏ kế hoạch ban đầu đặt ra là mua những chiếc khinh hạm đã qua sử dụng và chi đậm để mua 2 tàu mới nhằm tăng cường sức mạnh tác chiến trên biển Đông.
 
Ngày 29/4, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết, nước này sẽ mua 2 chiếc khinh hạm mới, thay vì mua tàu cũ như kế hoạch trước đó, nhằm tăng cường trang bị cho hải quân theo chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines.
 
Ông cho biết, Bộ Quốc phòng đã dành 18 tỷ peso (tương đương 437,4 triệu USD) để mua 2 chiếc khinh hạm mới thông qua đấu thầu công khai. Theo ông, một số nước như Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Singapore sẽ tham gia cuộc đấu thầu này.
 
Ông Manalo tiết lộ, Bộ Quốc phòng Philippines đã quyết định hủy bỏ kế hoạch trước đó mua những chiếc khinh hạm đã qua sử dụng, do chúng sẽ có chi phí bảo dưỡng rất tốn kém.

Khinh hạm lớp Hamilton thứ 2 mang tên BRP Ramon Alcaraz
Khinh hạm lớp Hamilton thứ 2 mang tên BRP Ramon Alcaraz
 
“Việc mua những chiếc khinh hạm này đã được xúc tiến,” ông Manalo nói. “Chúng tôi chỉ chờ Hải quân đệ trình kế hoạch cuối cùng của họ. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét và ban hành bản ghi nhớ quyết định mua sắm được Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin ký.”
 
Theo ông Manalo, quá trình này có thể sẽ phải mất 1 tuần. Sau đó, bộ quốc phòng nước này sẽ tổ chức 1 hoặc 2 cuộc hội thảo tiền đấu thầu.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, hải quân nước này sẽ tiếp nhận chiếc tàu chiến lớp Hamilton thứ hai, BRP Ramon Alcaraz, vào tháng 6 hoặc tháng 7 do các thủy thủ của tàu còn phải tiếp tục huấn luyện trong khi di chuyển từ Charleston, South Carolina, về Philippines.
 
Việc tiếp nhận chiếc tàu chiến lớp Hamilton thứ 2 này sẽ tăng cường sự hiện diện của Hải quân Philippines trên biển Đông.
 
Singapore mua hàng trăm tên lửa không đối không hiện đại của Mỹ
 
Singapore đã yêu cầu chính phủ Mỹ bán cho họ 100 tên lửa không đối không AIM-120C7 và 20 tên lửa không đối không AIM-9X-2, để trang bị cho các máy bay chiến đấu F-15SG mà họ đã đặt mua của Mỹ.
 
Ngày 3/4, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ đã thông báo với quốc hội nước này, về 2 gói bán trang thiết bị quân sự cho Chính phủ Singapore theo Chương trình bán quân sự cho nước ngoài (FMS).
 
Gói thứ nhất gồm 100 tên lửa không đối không tầm trung hiện đại (AMRAAM) AIM-120C7 cùng các trang thiết bị kèm theo, huấn luyện và hỗ trợ hậu cần với chi phí khoảng 210 triệu USD.
 
Gói thứ 2 gồm 20 tên lửa không đối không AIM 9X-2 SIDEWINDER Block II, cùng các thiết bị kèm theo, huấn luyện và hỗ trợ hậu cần với chi phí khoảng 36 triệu USD.

Dàn tên lửa khủng trên F-15SG
Dàn tên lửa khủng trên F-15SG
 
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, đề xuất bán số trang thiết bị này cho Singapore sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ, bằng việc nâng cao khả năng đóng góp vào an ninh khu vực của Cộng hòa Singapore.
 
Singapore yêu cầu mua số tên lửa này để trang bị cho số máy bay chiến đấu F-15SG mới, mà họ sẽ mua của Mỹ thông Chương trình mua bán thương mại trực tiếp của Chính phủ Mỹ.
 
Nước này sẽ sử dụng số vũ khí trên để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường khả năng bảo vệ đất nước, mà không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực.
 
Việc mạnh tay chi tiền của các quốc gia Đông Nam Á gần đây cho thấy sự đầu tư lớn để nâng cao tiềm lực quốc phòng. Điều này càng hợp lý khi vấn đề biển Đông và COC đang rất được quan tâm.
 
Bế mạc Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) từ ngày 6 đến 8/5 ở Brunei, các bộ trưởng đã ký tuyên bố chung ủng hộ cam kết của những nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 22 vừa qua là tích cực hợp tác với Trung Quốc để hướng đến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
 
Theo trang tin Bộ Ngoại giao Singapore, tuyên bố chung cũng đề xuất những biện pháp thực tiễn để tăng cường niềm tin và củng cố các mối quan hệ quân sự. Các bộ trưởng quốc phòng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì các kênh thông tin mở để tránh leo thang và những tính toán sai lầm trên biển Đông.
 
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định để ủng hộ sự tăng cường sâu sắc các hợp tác kinh tế và mở rộng quan hệ nhân dân giữa ASEAN, để những thế hệ tương lai được thừa hưởng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng” - Brunei Times ngày 8/5 dẫn phát biểu của chủ tịch ADMM, Bộ trưởng năng lượng Brunei Haji Mohammad Yasmin.
  • An Khanh (Tổng hợp)
;

No comments:

Post a Comment