Trích trong tiểu thuyết LỜI THỀ (Nguyễn Quang Vinh)
...
"Hoàng thượng Bắc triều hỏi:
-Vậy ngươi muốn gì?
Lý Vân nói:
-Thưa Bệ hạ, cái thần muốn thì đã có rồi, đó là cương giới đảo của nước Việt đã ghi dấu trong bản đồ nước Việt, nhiều triều Hoàng đế Bắc triều cũng đã tự xác tín, vậy nên, để êm ấm bang giao, từ nay khỏi bàn đến chuyện tranh chấp, tránh hiểu lầm, tránh binh đao, những mong Bệ hạ lần nữa xác tín chủ quyền cương giới cho người Việt.
Hoàng thượng lúng túng nhưng làm bộ nổi cáu:
-Ngươi chỉ là sứ thần, đâu ngang bậc đế vương mà đòi hỏi những điều như vậy?
Lý Vân nói:
-Thưa Bệ hạ, những đòi hỏi các nước lân bang phải công nhận cương giới của nước Việt thì không chỉ Hoàng thượng của nước Việt mới có quyền nói, mà mỗi thần dân nước Việt đều có quyền nói, đó là lẽ thường thưa Bệ hạ.
Hoàng thượng nhìn Lý Vân hồi lâu:
-Ta có nghe, nhà ngươi xuất thân từ nho sĩ?
-Thưa Bệ hạ, đúng thế.
-Nho sĩ thì chỉ giỏi chữ, lấy chữ làm vui thú, ta có thể ban cho ngươi đủ tiền bạc, đủ sung sướng để ngươi sống, cả đời vui ca, ngâm nga chữ nghĩa, việc cương giới ngươi đừng nên bận tâm…
-Thưa Bệ hạ, chữ phải viết ra từ ruột gan mình, từ máu thịt mình, từ lòng tự trọng của mình, từ tình yêu đất nước tổ tiên mình, nếu vì cơ hội để nhận sự no đủ, sung sướng rồi dùng chữ mà ca ngợi kẻ vong ân bội nghĩa, ca ngợi kẻ bỏ bê việc nước, phản bội tổ tiên, thì e chữ ấy là chữ của kẻ mang thân phận như lũ cẩu, suốt đời chỉ biết cắm mõm vào thức ăn bố thí để sủa lên, tru lên, rặn thành những lời gian trá, bóp méo sự thật, xưng tụng và bợ đỡ cho lũ quan quyền ăn trên ngồi tróc, bán nước vong thân, những kẻ viết ra loại chữ ấy đất Việt không dung thân thưa Bệ hạ.
Hoàng thượng im lặng, ngẫm nghĩ rồi lại nói:
-Người tài cao, trí rộng, nếu ngươi chịu phụng sự cho Bắc triều, lòng ta đang thực sự mến mộ và xin được chiêu hiền đãi sĩ. Nước Việt bé nhỏ, dân trí thấp kém, ngươi ở đó phụng sự phỏng làm thui chột trí lực, phí hoài năng khiếu?
Lý Vân đứng lên:
-Thưa Bệ hạ, cây có đất mới bén rễ, người có tổ tiên mới trưởng thành, chữ có cốt cách mới nên vần điệu, thần là con dân nước Việt, chữ của thần, trí của thần là nhờ nước Việt mà nên, không thể mang chữ đi buôn bán thụ hưởng cho riêng mình. Người vô đạo thì thất đức, kẻ vong ơn thì trí hèn, thần không phải hạng đó.
Hoàng thượng lớn tiếng:
-Ta có quyền nhốt ngươi trong ngục tối, ta có quyền định đoạt mạng sống của ngươi nếu ngươi chống ta.
Lý Vân nhã nhặn:
-Thưa Bệ hạ, Bệ hạ nói đúng lắm. Thần chỉ là kẻ nho sĩ, chân yếu tay mềm, cầm cây kiếm cây đao còn chưa vững, mang thân đi sứ, mạng sống nằm trong tay Bệ hạ. Bệ hạ có thể chém thần, có thể giam cầm, nhưng chỉ xin Bệ hạ nhớ cho rõ ràng, thần qua đây là mang ý chỉ của Hoàng thượng nước Việt, cũng là lời của người dân Việt, cương giới nước Việt là của nước Việt, điều đó là không thay đổi, điều đó là không ai cưỡng đoạt được. Người Việt yêu chuộng hòa hiếu nhưng khi cần thì dù đầu rơi máu đổ cũng đổ ở cương giới để giữ đất đai tiên tổ. Nếu các nước lân bang cậy thế, cậy lực mà cướp đoạt đất đai người Việt thì đời này, đời sau, kiếp sau, người Việt cũng thề lấy lại. Thần đã nói hết. Mạng thần đây, Bệ hạ nếu thả thì thần sống, nếu chém thì thần chết, không còn gì phải ân hận.
Hoàng thượng Bắc triều phẩy tay.
Lý Vân lui ra.
----
....
Sau hai tuần rượu, sau khi thưởng lãm những tiết mục múa hát tưng bừng, tất cả im lặng ngước nhìn.
Hoàng đế Bắc triều đứng dậy, tiếng nói sang sảng:
-Ta lấy làm vui vì yến tiệc hôm nay có mặt không sót sứ thần nào của các nước. Bắc triều ta dù là nước lớn nhưng luôn lấy hòa hiếu các nước lân bang làm trọng, sống biết mình biết người, mọi việc trên cuộc đời đều theo ý trời không làm khác được.
Các sứ thần nhìn nhau, mặt mày vui vẻ.
-Yến tiệc thết đãi sứ thần hôm nay ta cho làm toàn những món ngon sơn hảo hải vị chế biến từ tôm cá ngoài biển khơi. Ta mời các khanh ăn những món ngon lấy từ biển khơi là cũng để đàm đạo với các khanh chuyện biển khơi…
Các sứ thần buông đũa, dừng nghe.
-Bắc triều ta nói là nước lớn nhưng cũng chưa phải lớn. Nhiều triều đại Bắc triều cũng mới chỉ làm được việc thống nhất giang sơn trên đất liền mà chưa có dịp vươn ra biển cả. Chưa vươn ra là cũng để có thời gian, có sức lực để cũng cố vương triều, khẳng định vị thế. Nay vị thế ta đã mạnh, sức ta đã cường, quân binh thì triệu voi chiến, ngựa chiến, cung nỏ, giáo gươm đứng đầu các nước, thủy binh giờ đã hùng mạnh, thuyền chiến, thuyền hàng nườm nượp, buôn bán cũng thuận mà nếu xảy ra chạm trán với quân ô trọc, quân thảo khấu cũng đủ sức đè bẹp. Biển cả Bắc triều rộng lớn, giàu có, nên không thể không lo quản lý, không lo đến chủ quyền, để đất đai biển đảo vắng chủ ngoài khơi xa dễ bị các nước lân bang lợi dụng chiếm đoạt. Mà bằng chứng là có nhiều đảo ở khơi xa đã vào tay nước Việt chiếm đoạt, ta không biết là vô tình hay chủ ý, nước Việt lại mang quân binh, thủy binh ra đảo của Bắc triều, rồi nói với thiên hạ là đảo của họ, nói mà không có chứng cứ thì lời nói ấy phỏng có giá trị gì. Nay ta mời các sứ thần tới, trước là mở yến tiệc khoản đãi, bang giao, sau là để cho các sứ thần biết rằng, cương giới đảo hiện nay của nước Việt thực ra ngàn năm qua là của Bắc triều ta, nay ta không thể không chủ quyền, không thể không lấy lại, không thể không công bố.
Các sứ thần ồn ào, số thì ngơ ngác, số thì gật gù, số thì tiếng to tiếng nhỏ.
Các quan đại thần Bắc triều gật gù ưng ý.
Lý Bật có vẻ ưng ý nhất, cười giả lả, cười giả lả, cười giả lả.
Lý Vân điềm nhiên ngồi nghe, cung kính trước lời Hoàng đế Bắc triều, không để ý tới cả trăm đôi mắt đang dồn vào mình, như xoi như mói, như đốt như xoắn.
-Bắc triều ta không cậy nước lớn mà mang quân đi cướp đất đai cương giới nước nào, không ỷ nước lớn mà nói lấy là lấy, nói chủ quyền là chủ quyền, ta muốn các sứ thần, ta muốn triều đình nước Việt biết là biết thế để hiểu, hiểu rồi thì công nhận, công nhận rồi thì trao lại cho Bắc triều cái gì thuộc Bắc triều, như các đảo cương giới biển của nước Việt là của Bắc triều thì mau mau trao lại cho Bắc triều. Ta muốn cuộc bàn giao cương giới trong ấm êm, trong lời ca tiếng nhạc, trong rượu mừng, rồi cứ thế hai nước lại hòa hiếu, tay trong tay, núi sông liền kề như vậy, bên mạnh bên yếu tựa nhau mà sống, mà kinh bang tế thế, muôn năm thuận hòa, trăm họ hai nước vui vẻ, tiếng thơm lừng lẫy non sông, làm các nước lân bang coi đó để nêu gương.
Nhìn khắp lượt các gương mặt sứ thần, lại nhìn chăm chăm vào gương mặt của Lý Vân nãy giờ ngoan ngoãn lắng nghe, Hoàng đế Bắc triều hạ giọng:
-Sẽ có nhiều sứ thần hỏi ta, nếu cương giới đảo là của Bắc triều mà nước Việt cương quyết vẫn chiếm đoạt, cương quyết không giao trả thì làm thế nào? Điều không muốn thế cùng cũng phải làm: mang quân chiếm lại. Ai ngăn trở Bắc triều việc này, chém. Ai cố tình bóp méo sự thật chủ quyền này, giết. Nước nào dám cưỡng đoạt của Bắc triều đất đai cương giới, Bắc triều không tha thứ. Ta lấy làm hài lòng vì các sứ thần đã chăm chú nghe ta nói. Ta lấy làm cảm kích vì sứ thần nước Việt là Lý Vân đã nghe như nuốt lấy từng lời của ta. Ta cảm thấy vui vì quan đại thần nước Việt là Lý Bật đây đã vì ủng hộ nghiệp lớn của Bắc triều, từ bỏ nước Việt bé mọn và hàm hồ, sang làm quan đại thần Bắc triều, lại đại diện Bắc triều nhận bàn giao đảo cương giới của Bắc triều từ nước Việt. Lòng ta hoan hỉ. Xin các sứ thần một ly này.
Từng chung rượu nâng lên uống cạn.
Tiếng nói cười rổn rảng.
Lý Vân cầm chung rượu đi tới từng sứ thần chạm ly, mặt mày tươi rói.
Lý Bật ngất ngưỡng, gật gù cùng nâng ly với các quan đại thần Bắc triều, cười giả lả, cười giả lả, cười giả lả…
Hoàng thượng Bắc triều ra dấu yên lặng:
-Sứ thần là người đại diện cho quốc thể, cũng như sứ thần Lý Vân là người đại diện cho nước Việt. Ta nói như thế. Lý Vân cứ đáp từ. Khanh cứ nói thành thật, nếu vì ủng hộ ta mà sợ không dám về nước Việt thì giang sơn Bắc triều mời khanh ở lại, muốn gì có đó, sống cuộc đời vương giả, Bắc triều coi khanh là bạn tri kỷ.
Lý Vân đứng dậy.
Đại điện nín lặng.
Các sứ thần đổ mắt dồn về phía Lý Vân.
Hoàng thượng tự tin, cả cười nhìn các Đại thần.
Lý Vân đưa mắt nhìn khắp lượt các sứ thần, lại cung kính nhìn Hoàng thượng Bắc triều, rồi từ tốn cất lời:
-Bẩm Bệ hạ. Thần phụng mệng ý chỉ của Hoàng thượng nước Việt sang sứ, trước là để vấn an Hoàng đế Bắc triều, sau là để vụng dại nói mấy lời này…
Lý Vân dừng lời một chút, nói tiếp:
-Trên đời này, từ Bắc triều, nước Việt hay ở mọi nước, con người sinh ra thì phải đặt tên, đến như con thú hoang, chim hoang còn có tên gọi, cái thẻo đất bé tẹo nằm loi thoi nơi đầu nguồn cuối bãi vẫn có tên gọi, huống chi là cương giới, huống chi là đất đai tổ tiên, thần muốn xin Bệ hạ chỉ tên đảo cương giới của Bắc triều là những đảo gì? Hỏi để biết, biết để ghi nhớ, ghi nhớ để truyền cho con cháu, không phải nhầm lẫn, không mang tiếng hồ đồ, xin Bệ hạ xướng tên đảo giới?
Hoàng thượng Bắc triều nhìn các đại thần, các đại thần nhìn nhau.
Các sứ thần xì xầm bàn tán.
Vẫn lời Lý Vân:
-Thần cũng biết, Bệ hạ các triều đại Bắc triều lắm công nhiều việc, lo cho thiên hạ thái bình, trăm họ yên vui, không có mấy thời gian để nắm hết những vùng đất còn bỏ hoang, những đảo giới ngoài khơi xa, nên có thể chưa kịp đặt tên là lẽ thường, không ai trách cứ.
Hoàng thượng Bắc triều cười cười:
-Phải phải. Khanh nói phải lắm.
-Nước Việt cũng không phải đã đặt tên hết đảo giới của mình, hết mọi vùng đất trên cương giới mình, chuyện đó không lạ. Nhưng không đặt tên khác với không biết. Nước Việt biết hết, đâu là đất đai cương giới đất liền, đâu là đảo giới, biết hết. Cũng như Bắc triều, cũng như các nước lân bang, sao lại không thể không biết?
Tất cả gật gù tán thưởng.
Hoàng thượng Bắc triều cũng gật gù tán thưởng.
Lý Vân hỏi:
-Bẩm Bệ hạ. Dù không đặt tên, chưa đặt tên, nhưng đã là đất đai tổ tiên, chắc hẳn trên bản đồ nước mình phải có. Các nước lân bang cũng thế. Bắc triều hay nước Việt cũng thế. Nước phải có cương giới, muốn biết cương giới phải có bản đồ nước mình. Xin Bệ hạ cho thần và các sứ thần xem bản đồ Bắc triều, nếu bản đồ Bắc triều cũng ghi rõ cả đảo giới thì thần tạm thời nghe lời đó là cương giới Bắc triều.
Hoàng thượng Bắc triều hỏi các quan đại thần rồi cười cười:
-Lý Vân. Khanh nói đúng lắm. Đã là một nước thì phải có bản đồ. Nước nào chả thế. Nhưng bản đồ Bắc triều chưa kịp vẽ đảo giới, chưa vẽ thì sẽ vẽ, có sao đâu.
Lý Vân mở ống quyền, giăng ra cho mọi người tấm bản đồ nước Việt, lại ôn tồn:
-Bản đồ nước Việt truyền từ đời này sang đời khác, đời nào cũng ghi rõ những đảo giới này, ở đây, không những thế, nước Việt còn cho người ra đảo, đo bề ngang bề dọc, chỉ rõ cả bãi đá ngầm, cát ngầm, lại chỉ rõ hướng đi, khoảng cách, lại chỉ rõ chiều cao thấp… Đấy là đảo giới của nước Việt hay của Bắc triều?
Tất cả các sứ thần truyền tay nhau bản đồ nước Việt gật gù.
Lý Vân nói:
-Một mảnh đất hoang, một hòn đảo hoang, muốn là của nước mình thì phải có ba điều làm được: Một là phải đưa vào bản đồ, hai là phải cho người ra quản lý giữ gìn, ba là phải có được số liệu đo đạc. Đảo giới nước Việt có được ba điều ấy, Bắc triều không có được, há dễ lại nhận là của Bắc triều được sao? Bệ hạ anh minh, học một biết mười, đứng trên thiên hạ về học vấn, tinh thông kinh sử, chắc biết điều đó, thần không dám nhắc nhở.
Hoàng thượng Bắc triều tái mặt, định xua tay ngăn Lý Vân ngừng nói mà không kịp.
Lời Lý Vân như suối tuôn, thác đổ:
-Thần mang ơn Bệ hạ đã cho thần có dịp diện kiến đầy đủ các sứ thần. Lại được thưởng thức yến tiệc, rượu ngon, thức ăn ngon, lại được nghe đàn hát, thực lòng vô cùng cảm kích. Lại nghe Bệ hạ truyền chỉ, sau đây cho thần và các sứ thần ra đảo giới nước Việt, để thăm thú, để khẳng định chủ quyền, quả thật dịp may hiếm có, ơn trời biển của Bệ hạ làm thần như muốn khóc.
Hoàng thượng Bắc triều nổi giận:
-Nhà người thôi không nói nữa. Ta là chủ tiệc, không phải ngươi. Đúng thế. Ta sẽ cho ngươi và các sứ thần ra đảo giới nước Việt, để thiên hạ nhìn thấy chứng cứ người Bắc triều ngàn năm đã ở đấy, đã sinh sống, đã làm ăn. Không có chứng cứ nào về chủ quyền bằng điều này.
Lý Vân cung kính:
-Bẩm Bệ hạ, thần tuân chỉ.
Hoàng thượng cả cười mà ruột gan cháy thành lửa:
-Ta hơi chút nóng giận, xin các sứ thần bỏ qua. Ngày mai, ngày lành tháng tốt, vào giờ Hoàng đạo, thuyền rồng ta đã lo liệu, các sứ thần lên thuyền ra cương giới đảo. Giờ ta thấy không được khỏe, xin cáo từ trước, mời các sứ thần cứ ăn uống, cứ nghe đàn hát, thưởng ngoạn phong cảnh Hoàng cung.
Hoàng thượng Bắc triều tọt nhanh vào màn rồng, mất dạng.
"Lời thề" hay "Hoàng Sa Vạn Lý" vậy MD?
ReplyDelete...
-Thưa Bệ hạ, chữ phải viết ra từ ruột gan mình, từ máu thịt mình, từ lòng tự trọng của mình, từ tình yêu đất nước tổ tiên mình, nếu vì cơ hội để nhận sự no đủ, sung sướng rồi dùng chữ mà ca ngợi kẻ vong ân bội nghĩa, ca ngợi kẻ bỏ bê việc nước, phản bội tổ tiên, thì e chữ ấy là chữ của kẻ mang thân phận như lũ cẩu, suốt đời chỉ biết cắm mõm vào thức ăn bố thí để sủa lên, tru lên, rặn thành những lời gian trá, bóp méo sự thật, xưng tụng và bợ đỡ cho lũ quan quyền ăn trên ngồi tróc, bán nước vong thân, những kẻ viết ra loại chữ ấy đất Việt không dung thân thưa Bệ hạ."
(trích trong cùng tác phẩm)
"Lời thề" đó H
DeleteNQV cũng cho biết đoạn này viết rất khó. H nghĩ bài viết này có vi phạm nội qui không? :)
DeleteHoang sa van ly ne:
Deletehttp://vinhnq.vnweblogs.com/post/9150/337578