Sunday, July 7, 2013

Tinh thần của một cuộc nổi dậY

Tue, 07/02/2013 - 14:18 — VietTuSaiGon
Trong nửa giờ đồng hồ, trong lúc các giám thị đang ngồi chễm chệ xem những trại nhân nhễ nhại mồ hôi, những con người bị bỏ đói và bị đánh đập tranh nhau quả bóng làm trò vui cho các quản giáo, bất ngờ, một cuộc nổi dậy đồng loạt và có tính toán của trại nhân đã khiến cho giới chức, cán bộ công an phải tá hỏa, giật mình.


Một cuộc nổi dậy có tổ chức, có tính toán và có hệ thống khoa học chứ không đơn thuần là một cuộc nổi dậy mang tính bản năng để đòi khẩu phần ăn như các đài, báo trong nước loan tin.
Vì sao lại nói đây là cuộc nổi dậy có hệ thống, có tổ chức và không mang tính bản năng?
Có lẽ phải nhìn lại lịch sử trại giam của chế độ Cộng sản Việt nam, một lịch sử đầy máu và vết đen bởi kiểu giam giữ dựa trên tinh thần áp đặt và đòn tra tấn, biệt giam, thậm chí thủ tiêu.
Chính vì cách quản lý tù nhân, trại nhân như thế này đã đẩy các tù nhân, trại nhân đến một lựa chọn duy nhất: sống hay là chết.
Nếu muốn sống thì phải tuân phục, phải im lặng và cắm cúi làm việc chờ ngày mãn hạn, nếu ngược lại, có thể bị đánh chết, bị thủ tiêu bất kì giờ nào.
Mạng sống con người trong các trại cải tạo, nhà tù còn bé hơn cả con kiến, con ong, dù có bị bỏ đói, có bị cắt xén phần ăn hay bị đánh đập, cách duy nhất để tồn tại là nghiến răng chịu đựng và duy trì sự sống để trở về (đương nhiên, không ít người khi về đến nhà, sống được vài tháng rồi cũng chết vì quá trình đói khát, ủ bệnh nơi nhà giam, trại cải tạo).
Và, một điểm đặc biệt khác giữa nhà tù Cộng sản với nhà tù Tư bản là: Với nhà tù Cộng sản, chớ dại mà đòi quyền lợi dù rằng quyền lợi đó rất nhỏ. Với nhà tù tư bản, quyền lợi tù nhân dường như không cần phải quan tâm nữa, họ chỉ quan tâm đến vấn đề ngày tháng để được tự do bay nhảy ngoài cuộc sống.
Đó là một thực tế. Và đó cũng là lý do vì sao mọi tù nhân ở Việt Nam thời Cộng sản đều không dám đề xuất bất kỳ một yêu cầu nào, dù là rất nhỏ, họ sợ bị cán bộ chú ý, bị cán bộ thù vặt. Mà cái thù vặt của cán bộ quản lý lại tương đương với một mạng sống tù nhân.
Mãi cho đến một, hai tháng trở lại đây, đùng đùng xuất hiện một Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực suốt gần một tháng trời, để rồi hàng loạt các bạn bè ở hải ngoại và trong nước cùng đồng hành tuyệt thực bày tỏ thái độ ủng hộ ông.
Kết quả, nhà cầm quyền phải nhượng bộ, nghe theo yêu cầu của TS luật Cù Huy Hà Vũ. Điều đáng nói là sau vụ tuyệt thực của TS luật Vũ, có nhiều tù nhân, trại nhân bắt đầu tuyệt thực để đòi quyền trong nhà tù, nhà cầm quyền buộc phải xem xét lại vấn đề và nhượng bộ.
Có thể nói rằng sự kiện TS Vũ tuyệt thực là một cú châm ngòi kích hoạt vào bầu nhiệt huyết và ý thức dân chủ vốn ngủ quên trong mỗi người, đặc biệt là những tù nhân, trại nhân, nơi bị xếp vào tầng đáy xã hội bởi sự đối đãi còn tệ hơn cả thú vật.
Và đương nhiên, lần nổi dậy ngày 30.6 của trại nhân phân khu 1, Xuân Lộc là một cuộc nổi dậy có tổ chức, có ý thức dân chủ và có tính toán.
Sở dĩ nói đây là cuộc nổi dậy có tổ chức vì chí ít, nó phải có cái lõi tư tưởng bên trong, có người khai thông tư tưởng cho các trại nhân để họ thấy rằng sống trong thế giới con người không phải thế, mặc dù là một tù nhân, nhưng không thể đối đãi với tù nhân như là đối đãi với súc vật như vậy.
Và, nói họ nổi dậy có tổ chức bởi hai dấu hiệu: Tính toán để bắt và khống chế giám đốc trại; Cách hành xử đối với giám đốc trại để thương thuyết.
Nói về sự tính toán của các trại nhân, có lẽ không cần bàn thêm, vì đối tượng bắt giữ để thương thuyết của họ là giám đốc trại. Và phải nhớ là trong trại Xuân Lộc có đến 3 phân khu, mỗi phân khu cách nhau hơn một ngàn mét, đó là tiêu chuẩn của nhà tù Cộng sản.
Mỗi phân khu có một phân khu trưởng, ba phân khu trưởng này quản lý điều hành phân khu của mình dưới sự chỉ đạo của giám đốc trại.
Và, trong trại, giám đốc giống như một hoàng đế, ngay cả những cán bộ cấp thấp cũng ít có cơ hội gặp ông ta chứ đừng nói gì đến tù nhân, trại nhân, ngoại trừ một số ngày đặc biệt như lễ Tết, đại xá, đặc xá, ông ta xuất hiện chiếu lệ rồi biến ngay tức khắc.
Nhưng, lần này, ông giám đốc trại đến ngồi ghế danh dự để xem bóng đá, xem những trại nhân (mà trên một nghĩa nào đó là vật nuôi của ông ta) tranh giành trái bóng, tranh giành giải thưởng (có lẽ là vài gói thuốc, vài lạng thịt hay lon bia, vật phẩm “cao quí” và xa xỉ không chừng!).
Không còn thời cơ nào để hành động tốt hơn thời cơ này, những tù nhân, trại nhân đã hành động đúng lúc, đúng địa điểm và họ thành công. Họ buộc viên thiếu tướng công an phải đích thân đến thương thuyết với họ.
Mặc cho hàng ngàn công an, hàng ngàn tay súng đang chĩa mũi súng, họ thản nhiên thương thuyết để đạt mục đích của mình, đó là bước tiến quá lớn cho các trại nhân, tù nhân Việt Nam thời Cộng sản!
Song hành với việc thương thuyết là việc bắt giữ giám đốc trại, không cần phải bàn luận gì về sự giận dữ của trại viên đối với kẻ chuyên ra lệnh tay chân bộ hạ đánh đập mình, và cũng không cần bàn thêm về cơn uất hận của họ đối với kẻ đầu sỏ cắt xén phần ăn, ép chế tù nhân, trại nhân.
Ban đầu, dư luận theo dõi xem ông giám đốc trại giam bị đánh đập ra sao, sống hay chết. Và một lần nữa, dư luận bất ngờ trước việc ông giám đốc nói rằng ông không hề bị xử tệ, không hề bị đánh đập, không những thế, ông còn được quyền thuyết phục, thương thuyết với trại nhân, tù nhân.
Điều này cho thấy các tù nhân, trại nhân đã rất tỉnh táo, hết sức tử tế đối với ông ta, nó cũng cho thấy việc bắt giữ này có tính toàn bài bản, có chiến thuật, chiến lược và có dự tính về kết quả.
Hay nói cách khác, bên trong cuộc nổi dậy này có một cái lõi tư tưởng. Nhưng để tìm ra nó, e không phải là dễ!
Với tinh thần như vậy, rất có thể, cuộc nổi dậy ở Xuân Lộc, Đồng Nai sẽ là bước khởi đầu, là cú châm ngòi mới cho hàng loạt các cuộc nổi dậy sau này.
Điều đó khó tránh khỏi, vì trong trạng huống đất nước hiện nay, mọi thứ đều mang tính bất công, và mọi sự bất công đều là nguyên nhân các cuộc nổi dậy!

1 comment:

  1. Read this article:
    http://danlambaovn.blogspot.ca/2013/07/trai-giam-z30a-xuan-loc-cum-chan-tu.html

    ReplyDelete