Tháng 8 6, 2012
Phạm Đình Trọng
2/ Khúc hồi tưởng
Khúc hồi tưởng của một người dân Campuchia
Đưa chúng tôi đi trên những nẻo đường
của đất nước mình, người chủ nhà Campuchia, ông Ym Na Toly, người đàn
ông năm mươi tuổi, kể về gia đình ông trong tai họa Khmer Đỏ.
Ba mẹ Toly đều là giáo viên sống ở Phnom
Penh. Khmer Đỏ vào Phnom Penh sáng ngày mười bảy tháng Tư năm 1975, chỉ
ba giờ sau họ gọi loa thúc các gia đình mang theo ba ngày lương thực
đến ngôi chùa gần nhất tập trung học tập làm công dân mới của nước
Campuchia Dân chủ. Những tên lính Khmer Đỏ mang súng AK Trung Hoa đến
từng nhà lùa dân ra khỏi nhà và chỉ đường đến chùa. Đến các ngôi chùa
lại có những họng súng AK chặn cổng chùa, lùa dân ra đường. Trên đường,
những họng súng AK lùa dân đi về một hướng ra ngoại thành.
Nhìn về phía sau dòng người nối dài như
vô tận, nhìn về phía trước cũng nhấp nhô vô tận dòng người trên đường số
Năm đi về phía Tây, ba Toly hiểu rằng đây chỉ là cú lừa đầu tiên của
Khmer Đỏ. Họ bảo dân mang ba ngày gạo đến ngôi chùa gần nhà nhất để dân
yên tâm là chỉ tạm rời nhà ba ngày rồi lại trở về sống yên ổn nên cứ để
lại nhà tất cả của cải quí giá cho quân Khmer Đỏ đến vơ vét. Họ đã lệnh
ra khỏi nhà, không ra cũng không được. Dưới họng súng của họ, đến chùa
hay đến đâu cũng vậy thôi. Cú lừa này người dân dù mất sạch của cải, tài
sản quí giá nhưng vẫn còn giữ được mạng sống. Rồi sẽ còn nhiều cú lừa
làm mất cả mạng sống nữa. Phải giấu mình thật kĩ để họ không biết mình
là ai và chớ có tin những điều họ nói. Rút ra cách ứng xử đó với Khmer
Đỏ, ba Toly liền đổi tên của ba, mẹ và bảo ba anh em Toly phải quên tên
cũ của ba mẹ đi, phải nhớ tên mới của ba mẹ mà gọi. Để nhắc nhở ba đứa
con còn quá nhỏ, ba mẹ Toly luôn thì thầm gọi nhau bằng tên mới. Tiếng
gọi nhỏ nhẹ chỉ đủ để anh em Toly nghe được.
Nhìn thấy một người cao gày từ phía sau
đi lên đến ngay bên cạnh, ba Toly nhận ra đó là thầy giáo trẻ cùng
trường. Thầy giáo đó cũng vừa nhìn thấy ba Toly, ba Toly vội nhìn lảng
đi như không hề quen biết rồi ba kéo cả gia đình đi tụt lại phía sau,
lẩn trốn.
Không tin điều Khmer Đỏ nói, nhiều lần
Khmer Đỏ thông báo rằng ai làm gì trong chế độ cũ thì khai báo để Khmer
Đỏ sắp xếp về làm công việc cũ, ba Toly đều không khai báo. Khmer Đỏ
hỏi, ba Toly cũng nói rằng không có nghề nghiệp gì, chỉ mang sức đi làm
mướn kiếm sống. Nhờ thế ba Toly mới sống sót đến ngày trốn vào rừng. Tin
lời Khmer Đỏ, thầy giáo trẻ cao gày cùng trường với ba Toly đã khai với
Khmer Đỏ nghề nghiệp dạy học của thầy và xin trở về trường cũ liền bị
Khmer Đỏ đưa đi mất tích và bị thủ tiêu ở đâu đó, không bao giờ ba Toly
còn gặp lại thầy nữa.
Trong không khí ảm đạm, não nề, thỉnh
thoảng lại đột ngột rộ lên tiếng súng lính Khmer Đỏ bắn chết người chạy
trốn, bắn chết người vốn là dân thành phố không quen đi bộ, bây giờ chân
đau, không lê chân nổi nữa, bắn chết người trái ý Khmer Đỏ. Trong hốt
hoảng, náo loạn, hai đứa em trai của Toly, đứa tám tuổi, đứa sáu tuổi bị
lạc và cũng đã chết đói chết khát ở đâu đó không bao giờ trở về nữa.
Không được đi tìm con, mẹ Toly chỉ dấm dứt khóc cũng bị lính Khmer Đỏ dí
súng vào sườn không cho khóc.
Đến điểm dừng, một cánh đồng bỏ hoang đã
lâu, các gia đình đều bị xé ra, đều bị xóa sổ, không có đơn vị gia đình
nữa, chỉ có những đơn vị là đội sản xuất. Ba Toly về đội đàn ông. Mẹ
Toly về đội đàn bà. Toly mười ba tuổi về đội trẻ con đi chăn bò. Mười
bốn tuổi, Toly được chuyển lên đội người lớn phải làm ruộng nặng nhọc
hơn nhưng Toly mừng lắm vì là người lớn, Toly có thể được tuyển vào lính
Khmer Đỏ, được ăn cơm no, còn chăn bò hay làm ruộng đều chỉ được ngày
hai bữa cháo, đói lả vẫn phải làm đủ định mức. Mong trở thành lính Khmer
Đỏ chỉ để được ăn no chứ Toly không thể ác, không thể bắn giết dân như
những tên lính ác ôn áo đen mù chữ.
Ở đội chăn bò hay đội sản xuất, luôn có
những người bị Khmer Đỏ đưa đi mất tích. Đứa bạn của Toly làm mất một
con bò, liền bị Khmer Đỏ gọi đi không bao giờ trở về nữa. Ở đội sản xuất
có ông trắng trẻo, bị cận thị nặng mà không dám mang kính, ông chỉ nói
là bị đau mắt. Mang kính trắng ắt hẳn là trí thức sẽ bị Khmer Đỏ lôi đi
thủ tiêu ngay. Năm giờ sáng báo thức, ông cáo bệnh không dậy được, lính
Khmer Đỏ cho ông nằm lại lán. Hôm sau lính Khmer Đỏ đưa ông đi khám bệnh
và ông biến luôn khỏi cõi đời từ đó.
Toly chưa được ăn bữa cơm nào của Khmer
Đỏ vì chưa trở thành lính Khmer Đỏ thì quân đội Việt Nam đến, quân Khmer
Đỏ diệt chủng tháo chạy đến tận biên giới Thái Lan. Toly đến đội phụ nữ
tìm mẹ. Hai mẹ con Toly về nhà ở Phnom Penh hôm trước thì hôm sau ba
Toly cũng về. Ba trốn vào rừng tham gia kháng chiến chống Khmer Đỏ nay
cùng đội quân cách mạng trở về giải phóng Phnom Penh. Nhưng ở đoạn phố
nhà Toly có rất nhiều nhà không còn người nào sống sót trở về. Trước
tháng tư năm 1975, Campuchia có bảy triệu dân. Thống kê dân số sau khi
Campuchia thoát khỏi tai họa Khmer Đỏ, Campuchia chỉ còn hơn ba triệu
dân. Chỉ ba năm rưỡi dưới họng súng Khmer Đỏ, hơn ba triệu dân Campuchia
đã bị giết.
Khúc hồi tưởng của một người lính Việt Nam
Trong chiến dịch giải phóng Campuchia
khỏi họa diệt chủng Pol Pot, tháng giêng năm 1979, Tổng cục Chính trị cử
tôi thuộc tạp chí Văn nghệ Quân đội và hai họa sĩ của xưởng Mĩ
thuật Quân đội, trung úy họa sĩ Nguyễn Cương và trung úy họa sĩ Đỗ Sơn
đi với mũi tiến quân của Hải quân đánh chiếm cảng Sihanoukville.
Chở hết lực lượng chiến đấu tập kết ở
đảo Phú Quốc rồi một chiếc tàu chiến nhỏ mới chở ba chúng tôi đi từ bến
Bạch Đằng ở Sài Gòn. Chiều 7.1.1979 chúng tôi đến quân cảng An Thới ở
phía nam đảo Phú Quốc. Tôi nhận ra ba chiếc tàu của đoàn tàu không số
chở vũ khí vào miền Nam thời chiến tranh Nam – Bắc đang ăn hàng ở cầu
cảng. Những người đàn ông dân sự cởi trần vác những bao gạo, những hòm
đạn từ những chiếc ô tô vận tải cũng của dân sự, chạy rầm rập xuống tàu.
Ở cầu cảng bên cạnh, mấy chiếc tàu chiến neo đậu. Tôi chú ý đến chiếc
tàu 215 vì ở mũi tàu có vết đạn xuyên thủng toác và những vết đạn nhỏ
đục lấm chấm trên thành tàu.
Cuộc chiến đấu trên đất Kampong Saom nơi
có cảng Sihanoukville đang diễn ra ác liệt. Nhưng chưa có tàu sang vùng
đất chiến sự, chúng tôi phải về Bộ Tư lệnh vùng Năm Hải quân trên đảo
Phú Quốc chờ đợi. Ba ngày ở lại Bộ Tư lệnh vùng Năm tôi đã gặp thượng tá
Tuấn, Phó Tư lệnh vùng Năm nắm bắt diễn biến chiến sự. Khi biết tàu 215
vừa tham chiến trở về tôi liền xuống tàu gặp những người lính biển vừa
đọ sức với tàu chiến hiện đại của Trung Quốc trang bị cho Khmer Đỏ.
Thuyền phó, trung úy Nguyễn Hồng Sâm sau
khi kể lại trận đánh nhiều mất mát của tàu 215 đã giữ tôi ở lại bằng
được ăn với những người lính sống sót trên tàu một bữa cơm cho bữa cơm
trên tàu đỡ vắng. Trung úy Sâm nói rằng anh vẫn chưa quen được sự trống
hụt quá nhiều vị trí trên tàu. Đến bữa cơm, cả tàu quây quần, sự trống
hụt càng lớn nên anh cứ thấy chống chếnh, dù đói cũng không muốn ăn. Bốn
người hi sinh đã đưa lên nghĩa trang An Thới. Năm người bị thương nặng,
cả thuyền trưởng, thuyền phó thứ nhất, chính trị viên, ngành trưởng cơ
điện, đều bị thương đã chuyển lên viện quân y vùng Năm. Cơm nóng thơm
mùi gạo mới. Cá thu kho với hạt tiêu tươi để cả chùm cũng thơm lừng
nhưng bữa ăn lặng lẽ và kết thúc nhanh chóng. Tôi muốn mở lời xóa đi
không khí nặng trịch mà không mở lời nổi. Bữa cơm trên tàu 215 đã cho
tôi cảm nhận được sự ác liệt của mặt trận Sihanoukville.
Hôm sau chúng tôi mới đi theo chiếc tàu chở đạn sang Sihanoukville đã thuộc quyền kiểm soát của Quân đội Việt Nam.
Phía ngoài cảng biển Sihanoukville là
chuỗi đảo san sát, nhấp nhô. Màu xanh lá cây của đảo nối liền thành vệt
dài làm cho cảng biển Sihanoukville như một cảng sông kín đáo và phẳng
lặng. Trên cảng, mặt bê tông của cầu cảng rộng dài còn mới nguyên, sạch
bong, không một vết bụi. Bộ chỉ huy tiền phương của Hải quân Việt Nam
đặt trên chiếc tàu vận tải lớn HQ501 neo ở cầu cảng. Trên cột cờ cao
nhất giữa tàu, phần phật bay lá cờ đỏ có hình năm ngọn tháp vàng. Chúng
tôi đeo ba lô về ở với bộ sậu đông đảo giúp việc Bộ Chỉ huy Tiền phương
là các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần ở cả trong nhà kho mới xây
rộng mênh mông trên cảng. Những túm sợi bông trắng phau vương tung tóe
trong nhà kho. Một nửa nhà kho chất đầy những bao bông nén thành khối
đợi xuống tàu xuất khẩu. Trên bãi cảng thênh thang, quân Khmer Đỏ còn để
lại những chiếc xe tăng mới nguyên, những khẩu pháo lớn còn phủ lớp mỡ
dày mới bốc từ dưới tàu lên. Trên tăng, trên pháo đều in rõ những hàng
chữ Hán. Cảng Sihanoukville như vừa được xây mới hoàn toàn cho những con
tàu lớn chở vũ khí viện trợ của Trung Quốc cấp tập cập cảng.
Tuy đã làm chủ được Sihanoukville nhưng
một không khí âm thầm lặng lẽ bao trùm Bộ Chỉ huy Tiền phương Hải quân.
Trận đánh vào Sihanoukville, Hải quân Việt Nam bị tổn thất lớn. Thượng
tá Luật, chính ủy lữ đoàn lính thủy đánh bộ 126 và nhiều sĩ quan, chiến
sĩ hải quân đang còn mất tích, thất lạc trong rừng. Bộ Chỉ huy Tiền
phương đang tổ chức nhiều mũi chiến đấu thọc sâu vào rừng tìm kiếm. Quân
Khmer Đỏ chỉ bị đánh bật khỏi Sihanoukville, bị đánh bật khỏi những căn
cứ tập trung, chúng chỉ tan rã chứ chưa bị tiêu diệt. Dải rừng bạt ngàn
hai bên đường số Bốn, bao quanh Sihanoukville vẫn là đất của chúng.
Những mũi chiến đấu nhỏ lẻ thọc sâu trong rừng, thọc sâu vào nơi quân
Khmer Đỏ lẩn trốn, thực sự là những mũi cảm tử. Ở Bộ Chỉ huy, những đài
vô tuyến điện giữ liên lạc với các mũi cảm tử luôn phải nín thở lắng
nghe và nét mặt từ quan đến lính ở Bộ Chỉ huy đều lộ rõ sự căng thẳng.
Tuy vậy thượng tá Phó Chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải quân Lê Văn
Xuân cũng dành thời gian cho tôi được hỏi ông nhiều điều.
Từ cảng Sihanoukville, chiếc xe jeep của
trung đoàn 66 đưa tôi vào thị xã Kampong Saom, đến sư đoàn 304. Đại úy
Điều, trưởng ban tuyên huấn sư đoàn kể với tôi chặng đường đến
Sihanoukville của sư đoàn. Ngày 20.12.1978, từ Đà Nẵng, sư đoàn đi theo
hai ngả. Ngả đường không: Máy bay AN26 đưa sư đoàn bộ và trung đoàn 9 từ
Đà Nẵng vào Cần Thơ. Ô tô của quân khu 9 đưa tiếp vào Ba Chúc, Bảy Núi.
Ngả đường bộ: Ô tô tải của sư đoàn chở trung đoàn 24, trung đoàn 66,
trung đoàn pháo, tiểu đoàn thông tin, tiểu đoàn công binh, theo đường số
Một bon bon về phía Nam. Ngày 26.12.1978, sư đoàn có mặt đầy đủ ở Ba
Chúc. Ngày 1.1.1979 sư đoàn nổ súng đánh Khmer Đỏ ở chân núi Tượng sát
biên giới. Ngày 9.1.1979 vào Sihanoukville.
Những thông tin xác thực từ thượng tá
Tuấn, thượng tá Xuân, đại úy Điều, chuyện kể của trung úy, thuyền phó
Nguyễn Hồng Sâm tàu 215 đã cho tôi hình dung được đầy đủ, chân thực trận
đánh khó khăn, nhiều mất mát để giành Sihanoukville từ tay Khmer Đỏ.
Đêm 6.1.1979, mở màn chiến dịch đánh
Sihanoukville bằng tiếng súng của đại đội đặc công đánh chiếm trận địa
pháo bảo vệ bờ biển của Khmer Đỏ và tiếng nổ của pháo 130 nòng dài từ
bắc đảo Phú Quốc bắn sang những căn cứ Khmer Đỏ ở Kampong Som. Ngoài
biển, lực lượng tàu chiến đấu tạo thành vành đai ngăn chặn tàu Khmer Đỏ
từ quân cảng Ream, từ cảng Sihanoukville đánh ra, bảo vệ bãi đổ quân của
lữ đoàn 126 và lữ đoàn 101 lính thủy đánh bộ. Tàu 215 và tàu 203 chốt
chặn hướng chủ yếu. Tàu 199 và tàu 613 còn là đài trinh sát pháo binh,
quan sát điểm rơi của đạn pháo để trận địa pháo trên đảo Phú Quốc điều
chỉnh tầm bắn. Tàu HQ05 chốt ở ngoài cùng.
Sự cố xảy ra khi mới đổ được ba tiểu
đoàn lính thủy đánh bộ cùng một số xe tăng, xe lội nước lên chân núi
Bokor thì nước triều lên ngập bãi đổ quân, tàu đổ quân đành rút ra. Còn
lữ đoàn 101, ba tiểu đoàn của lữ đoàn 126 và số lớn xe, pháo, ô tô chở
quân chưa lên được.
Cuộc đổ quân đang diễn ra thì cuộc đụng
độ trên biển bắt đầu. 22 giờ 30, kì hạm 203 chỉ thị mục tiêu và tàu 215
cũng phát hiện bốn tàu Khmer Đỏ từ hướng quân cảng Ream lao đến. Nhìn
hướng tiến, biết chúng có ý định đột phá vào khoảng giữa tàu 215 và kì
hạm 203 để vào bãi đổ bộ của lực lượng lính thủy đánh bộ Việt Nam. Đến
cự li tầm bắn có hiệu quả, chiếc đi đầu xối xả nã đạn về phía tàu 215 và
tàu 203. Kì hạm 203 lệnh cho tàu 215 di chuyển để lưới lửa của tàu 203
và tàu 215 đan chéo cánh xẻ vào chiếc tàu Khmer Đỏ đi đầu. Một loạt đạn
37 li của tàu 215 quất trúng mục tiêu, chiếc tàu Khmer Đỏ chạy chậm lại
và không ổn định hướng rồi chìm nghỉm. Ba chiếc còn lại quay đầu tháo
chạy.
Gần sáng ngày 7.1.1979, nhiều tiếng nổ
dữ dội ở hướng tàu HQ05 chốt chặn. Kì hạm 203 lệnh cho tàu 215 cùng tiến
về phía tiếng súng. Trời sáng rõ, tàu 215 nhận ra bốn tàu 100 tấn cao
tốc của Khmer Đỏ quây đánh tàu HQ05. Tàu cao tốc của Khmer Đỏ có tốc độ
38 hải lí giờ, gần gấp đôi tốc độ tàu HQ05 của Việt Nam chỉ 20 hải lí
giờ. Tàu 215 và 203 cùng nổ súng thu hút tàu Khmer Đỏ. Bị đánh trả từ
hai hướng, tàu Khmer Đỏ không còn ở thế chủ động tấn công, tốc độ cao
không còn là ưu thế nữa. Bây giờ hỏa lực sẽ quyết định mà hỏa lực thì
các tàu Hải quân Việt Nam áp đảo. Hai tàu Khmer Đỏ bị trúng đạn bỏ chạy,
hai chiếc còn lại phải chạy theo. Kì hạm 203 lệnh cho 215 truy kích.
Đang tăng tốc đuổi theo chiếc tàu Khmer Đỏ dính đạn chạy sau thì tàu 215
chết máy khựng lại. Lập tức, hai tàu Khmer Đỏ quay lại quây đánh tàu
215. Khi tàu 203 giải cứu, đánh đuổi tàu Khmer Đỏ thì tàu 215 đã bị
thương tích nặng nề. Hai pháo thủ của khẩu 37 li, một hàng hải và một cơ
điện hi sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Thiện Doanh, thuyền phó Đỗ Văn
Thành, chính trị viên Lê Đình Khuyến, hai cơ điện Tạ Văn Chương, Lê Hồng
Quyên bị thương nặng.
Nhưng thương vong nặng nhất lại là cuộc
chiến trên đất bằng. Ba tiểu đoàn của lữ đoàn 126 cùng một phần sở chỉ
huy lữ đoàn vừa đổ bộ lên chân núi Bokor, chưa kịp tập hợp đội hình thì
pháo Khmer Đỏ dập xuống. Từ trong bóng đêm của dải rừng bao quanh, những
tên lính áo đen của man rợ, của chết chóc, như từ bóng đêm trung cổ ào
ra. Thiếu tá tham mưu trưởng lữ đoàn, đại úy trưởng ban tác chiến, trung
úy Vũ Hiến phóng viên báo Hải quân hi sinh. Cả tổ đài thông
tin vô tuyến điện của sở chỉ huy đều bị thương vong. Thượng tá Luật
chính ủy lữ đoàn 126 bị thương được những người lính thân cận bên ông
dìu chạy vào rừng.
Trong tình thế nếu cứ chôn chân ở chân
núi Bokor đợi đổ xong quân, đợi xe pháo, đợi có chỉ huy thì sẽ là tấm
bia sống cho những nòng súng Khmer Đỏ, vì thế rạng sáng ngày 7.1.1979,
một tiểu đoàn trưởng của lữ đoàn 126 đã đưa quân lên 12 xe tăng và xe
bọc thép đơn độc tiến đánh Sihanoukville. Một ngày một đêm chiến đấu,
chỉ còn vài người sống sót chạy vào rừng, tiểu đoàn bị xóa sổ.
Theo phương án tác chiến, lực lượng mạnh
của hải quân gồm lữ đoàn 126 và lữ đoàn 101 lính thủy đánh bộ từ chân
núi Bokor theo con đường số Ba ven biển đánh chiếm Veal Renh rồi theo
đường số Bốn đánh vào cảng Sihanoukville và quân cảng Ream. Nay cuộc
chiến đang quyết liệt mà lực lượng Hải quân Việt Nam tham chiến vẫn chưa
đổ bộ xong quân mà lại phải chia lực lượng đi tìm quân thương vong tan
tác trong rừng, lại không còn nắm thế chủ động nữa! Sư đoàn bộ binh 304
được tung vào trận đánh Sihanoukville trong tình thế đó.
Trong đội hình Quân đoàn 2 ở hướng thứ
yếu, sư đoàn 304 là lực lượng dự bị chiến dịch. Sư đoàn sẽ là lực lượng
đánh vào Phnom Penh trong đợt hai, đợt ba, nếu cuộc chiến ở Phnom Penh
phải kéo dài. Trước sức tấn công của các sư đoàn thiện chiến Việt Nam,
quân Khmer Đỏ ở hướng phòng thủ phía Đông nhanh chóng vỡ trận, Quân đoàn
4 Việt Nam tiến rất nhanh vào Phnom Penh. Ngày 7.1.1979 Quân đoàn 4 đã
làm chủ Phnom Penh. Sư đoàn 304 liền được điều đi chi viện cho mặt trận
Kampong Saom. Ngày 8.1.1979 trung đoàn bộ binh 9 cùng lữ đoàn xe tăng
203 giải phóng Ream. Ngày 9.1.1979, trung đoàn bộ binh 66 cùng với Hải
quân đánh chiếm xong Sihanoukville. Ngày hôm sau, 10.1.1979, chiếc xe
jeep của trung đoàn 66 đã đưa tôi từ Sihanoukville lên sở chỉ huy sư
đoàn 304 ở thị xã Kampong Saom.
Hai ông bạn họa sĩ cùng đi chiến dịch
với tôi đã về Sài Gòn trước rồi. Tối 30.1.1979, tôi đeo ba lô xuống tàu
683 khi những người lính vẫn đang hối hả chuyển những hòm đạn từ tàu lên
cảng. Bốc hết đạn lúc nào, tàu sẽ nhổ neo về Sài Gòn lúc đó. Đến nửa
đêm, còn gần 100 tấn đạn dưới tàu nhưng tàu được lệnh dừng bốc đạn để
đưa thi thể thượng tá chính ủy Luật về nước ngay trong đêm. Thi thể
thượng tá Luật cùng thi thể hai chiến sĩ được bọc trong nhiều lớp túi ni
lông đặt ở mũi tàu. 1 giờ 30 đêm, tàu rời cảng Sihanoukville. Chiều hôm
trước, 29.1.1979, mũi xục xạo trong rừng của trung tá Trịch tìm thấy
nhóm người đi với thượng tá Luật nhưng thượng tá Luật đã chết trước đó
mười ngày, từ ngày 19.1.1979.
Tàu không về Sài Gòn mà về Phú Quốc. Nằm
trong buồng hàng hải trên tàu, tôi đã thức trọn đêm. Gió biển ù ù vật
vã thổi vào căn buồng hẹp tôi nằm đưa tôi trở về với tiếng gió ù ù thổi
trong câu thơ Chinh phụ ngâm, ù ù thổi trong lịch sử Việt Nam: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi và nước mắt lấp xấp ướt mi. Những người lính Việt Nam thời Chinh phụ ngâm
đổ máu để giữ gìn mảnh đất Việt Nam yêu thương. Những người lính Việt
Nam hôm nay còn đổ máu vì sự bình yên của cây thốt nốt, vì những giá trị
của sử thi đá thăm thẳm ở đền đài Angkor.
Mờ sáng, tôi lại nhìn thấy cảng An Thới
nhưng không thấy con tàu 215 thương tích đầy mình ở cầu cảng nữa. Ba
người lính hi sinh được đưa lên bờ khâm liệm nhưng chỉ có thượng tá Luật
trong chiếc quan tài mộc không sơn vẽ, còn tươi màu gỗ rừng Phú Quốc
cùng về Sài Gòn với chúng tôi trong chuyến máy bay lên thẳng bay từ sân
bay dã chiến An Thới về sân bay Tân Sơn Nhất.
Đọc mà thấy kinh hoàng cho những vật thể được gọi là "người" dưới thời Khme đỏ ! Và thấy sự khủng khiếp của những mất mát`trong trận chiến...
ReplyDeleteTA có biết nhà thơ Đông Trình (Đình Trọng), có thời dạy học trường PCT. Không biết có phải Phạm Đình Trọng?
ReplyDeleteCó biết, quen với ba mẹ TA, nhưng không nhớ họ của Đông Trình- Đình Trọng là gì ;(
ReplyDeleteCo roi TA oi. Khong dinh dang chi nhau ca. Mot ong la Nguyen Dinh Trong, nha tho Dong Trinh, mot ong la dai ta ve huu, nha van, nha bao ...
ReplyDeleteGiới thiệu nhà thơ Đông Trình, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng.
Đông Trình tên thật Nguyễn Đình Trọng, sinh ngày 4/12/1942; quê gốc ở làng Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; Tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Huế ...
http://www.nguyenhuuhongminh.com/tin-tuc/15.aspx