Tuesday, September 24, 2013

khi tạo hóa lập trình !

1.
Dưới tàng cây trứng cá, có hai  bộ bàn ghế nhựa xanh xanh đỏ đỏ dành cho  lũ học trò - khách nhí đến ngồi ăn kem, yaourt. Chị vốn yêu con trẻ, nên học trò nhỏ  vẫn thích đòi bố mẹ đưa đến đây sau mỗi buổi học. Lúc này quán đang vắng  vì chưa đến giờ tan trường. Chị đang sửa lại lọ hoa hồng phấn đặt trên quầy hàng thì nghe tiếng trẻ con reo:
- Ba ơi, con muốn ăn yaourt.
Nở nụ cười, chị nhìn ra, nắng đã xế bên kia đường. Chiếc xe gắn máy cũng vừa chạy lên lề và dừng lại dưới bóng mát cây trứng cá. Trong khi người bố chưa rời hẳn khỏi xe, thì đứa bé trai khoảng chừng sáu tuổi, một tay ôm chàng siêu nhân đỏ, một tay níu vai áo bố, nhanh nhẹn tuột xuống xe chạy nhanh đến chị. Chị vội mở nắp thùng kem, lấy ba hủ yaourt đặt trên cái khay, âu yếm hỏi chàng khách nhí :
- Cháu có thích thêm kem nữa không ?
Mở to đôi mắt đen nhìn nụ cười của chị, thằng bé cười theo :
- Không ạ, cháu chỉ thích yaourt.
Người bố đã xuống xe, anh bước tới, cúi xuống kéo chiếc ghế cho con trai :
- Ngồi  xuống đã nào.
Nghe tiếng nói, chị ngưng tay quay đầu nhìn sững. Lúc này, ông bố cũng vừa ngước mặt. Cả hai đều bất ngờ, nửa mừng rỡ nửa bối rối họ cùng “ A …” lên một tiếng !

2.
Hơn một năm trước, chị vào bệnh viện thăm đứa cháu gái. Cô em họ nhờ chị ngồi trông giùm con để cô đi mua ít vật dụng cần thiết. Phòng cấp cứu lúc đó yên tĩnh lạ. Chỉ có tiếng rên nhẹ đều của một người bệnh cách mấy giường. Đang lim dim mắt, thoáng bên tai rõ ràng vang lên giọng nói nhẹ nhàng âu yếm dỗ dành:
- Má, má, há miệng ra một chút đi, giỏi nè, ăn thêm miếng nữa, giỏi nè ! 
Hơi ngạc nhiên, chị mở mắt ra nhìn. Cách hai chiếc giường nơi đứa cháu đang nằm là giường bệnh của một bà già. Bà nhỏ bé, ăn mặc sạch sẽ, khăn lụa trùm đầu hẳn hoi, nằm lọt thỏm trên lớp drap trắng. Một người đàn ông trạc gần bốn mươi, da ngăm ngăm, áo sơ mi xanh, ra dáng một công chức, ngồi trên chiếc ghế sát bên giường đang cẩn thận chăm chút đút từng muỗng sữa cho bà. Chị lặng ngắm và ngạc nhiên. Khó tin được vẫn còn hình ảnh này giữa đời thường ! Đàng kia, người đàn ông đang lấy chiếc khăn lau nhẹ môi miệng cho mẹ,  rồi dỗ dành :
- Má, má há miệng ra một chút đi, con xỉa răng cho.
Tỉ mỉ tẩn mẩn, anh làm sạch miệng mẹ, vẫn cứ năn nỉ nho nhỏ thương yêu ngọt ngào kiên nhẫn như vậy.
Cái xã hội nhiễu nhương này !. Sự xuống cấp của đạo đức đang diễn ra nghiêm trọng ! Niềm tin đang dần đến bờ vực phá sản ! Hàng ngày, chị vẫn đọc báo, vẫn nghe kể… Người ta có thể giết nhau vì một cái điện thoại ba trăm ngàn. Con là bác sĩ, vẫn sẵn sàng đầu độc bố để đoạt quyền thừa kế cho nhanh !  Hàng xóm sẵn sàng chém nhau vì hai tấc hàng rào. Nhiều người già, bị con cái xiềng chân bỏ đói. Nằm bệnh nhiều ngày, con ba bốn đứa, có gái có trai, đủ dâu đủ rể nhưng vẫn tị nạnh nhau chuyện cơm thuốc, nên bị bỏ lắt lay.
Hình ảnh người đàn ông đứng tuổi chăm sóc mẹ dịu dàng yêu thương tuyệt mức làm chị cảm động và ngưỡng mộ. Không nói ra, nhưng mấy ngày sau đó, chị sẵn sàng giúp đỡ nếu có dịp. Và như thế, họ quen biết nhau, đủ để trao đổi một chút thông tin về  hoàn cảnh sống của nhau. Vợ bỏ đi từ khi con trai chưa đầy tuổi, anh ở vậy nuôi con đã ba năm rồi. Chị từ khi biết mình vô sinh thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình, và đó là nỗi đau đớn tột cùng khó thể cùng ai chia sẻ. Tương thân tương cận của những người cùng cảnh ngộ chỉ ngắn ngủi dừng ở đó. Khi đứa cháu gái của chị chuyển viện, ai hoàn cảnh nấy, họ không gặp nhau nữa. Tuy thế, đôi khi trong những thường ngày, khi nghe một tin dữ, tin ác nào đó, chị lại nghĩ đến người đàn ông chăm mẹ trong bệnh viện, cầu cho gia đình ba người của anh được gặp những điều may .

3.
Gần hai năm rồi, bây giờ bất ngờ họ lại gặp nhau. Nhìn chị đang tươi cười giúp thằng bé ăn hủ yaourt, có niềm vui nào rộn rã dậy lên ấm áp trong lòng. Anh, vẫn luôn nhớ khuôn mặt thuần phác nhân hậu của người phụ nữ này và thầm biết ơn những dịu dàng giúp đỡ anh trong những ngày ở bệnh viện nuôi mẹ. Chị hỏi thăm anh về người mẹ. Anh buồn bã cho biết,  tuổi lớn, bệnh nặng, mẹ anh cũng đã qua đời sau đợt nằm điều trị đó. Chiều nay hai bố con đi thăm mộ của bà. Lúc về, chìu ý con, anh chở  thằng bé đi lòng vòng, đến đây, khát nước, không ngờ lại gặp nhau. Hóa ra chẳng cần cách xa đến nửa quả địa cầu, cuộc mưu sinh tất bật, hàng xóm láng giềng chung một hàng rào có khi cả năm cũng chẳng thấy mặt nhau, huống chi là cách nhau đến… nửa thành phố ! Riêng trực giác con trẻ là một loại thần giao cách cảm đặc biệt. Những thiên thần bé nhỏ ấy có thể nhận biết ai là người thương yêu chúng thật tình. Thằng bé con anh cũng vậy, nó đã quyến luyến chị ngay.  Vậy là từ đó, mỗi lần chở con đi thăm mộ mẹ, hoặc lúc rãnh rỗi, hai bố con lại tìm đến cái quán kem nhỏ có tàng cây trứng cá mát rượi này…
Cho đến một ngày, thằng bé không chịu chỉ có hai bố con đi thăm bà nội, nó nằng nặc đòi : “Phải có cô Hòa cùng đi thắp nhang cho nội, nội mới vui.”. Anh ôm con trong lòng, dụi mặt vào mớ tóc tơ của con, nhớ đến rơi nước mắt tuổi thơ xưa luôn được ấp ủ trong tình yêu thương của mẹ.
Sáng sớm hôm sau, trang phục tươm tất, hai bố con đến tìm chị. Ngạc nhiên vì khách quen đến trái giờ lệ thường, chị mở to mắt chưa kịp hỏi, anh còn đang lúng túng tìm cách mở lời, thằng bé con đã chạy đến ôm chân chị “ Mẹ Hòa ơi, cả nhà mình đi thăm mộ bà nội đi…”! Bình hoa hồng phấn trên bàn dường như choàng thức dậy, lay lay cánh mỏng thoảng hương thơm...
Sáu tháng sau, tôi nhận được thiệp cưới của họ. Những ngày cuối năm, trong gió sớm xuân về, có một đám cưới thật ngộ. Cô dâu chú rể chẳng tuổi đôi mươi lãng mạn, lại thêm thằng bé con veston trắng “bảnh bao”, mặt mày hớn hở, chạy tung tăng nắm tay cô dâu chú rể, lúc gọi ba lúc gọi mẹ rôm rả, quan khách cũng… rôm rả vỗ tay. Một đám cưới giản dị mà từ khách dự đến hai họ, ai cũng thấy  hạnh phúc ngập tràn.
Gã bạn cùng đi, vốn mang xước hiệu là lý sự gia, mặt cũng tươi hơn hớn, khều tay tôi nói nhỏ : - “Dường như chúng ta đã quên đi bàn tay Tạo hóa. Thật ra thì Thượng Đế vẫn có những sắp xếp hoàn hảo của riêng mình !”.  Thấy tôi có vẻ chưa thấm hiểu, gã vừa co giò chạy vừa la lên rất đỗi nồng nàn: “Ví dụ như đầu xuân này, anh và em được nên duyên chồng vợ, thì  y chang là một lập trình hoàn hảo của Thượng Đế đó, em yêu…”!
 
Độ Ngạn

No comments:

Post a Comment