Như mọi khi, tôi lại được cô giáo gọi lên đọc bài văn “Em
hãy tả về người mẹ của mình”. Tôi ngước cao mặt, đĩnh đạc bước lên giữa lớp
trong sự nể phục của các bạn và cất cao giọng đọc:
“Mẹ em là người tuyệt
vời nhất. Mẹ đẹp như cô tiên trong truỵên cổ tích. Mái tóc mẹ dài óng ả buông
xõa ngang lưng. Mẹ gội đầu bằng trái bồ kết nên tóc mẹ vừa mượt vừa suôn. Mẹ bảo,
“Lớn lên con gái đừng gội đầu bằng dầu gội mà nấu trái bồ kết gội cho tóc đẹp
như của mẹ”. Mẹ có khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Mỗi khi mẹ cười hai hàm răng mẹ
trắng ngần trông đẹp lắm! Mẹ vừa dịu dàng lại vừa đảm đang. Đi làm về, mẹ vừa
vào bếp nấu cơm cho cả gia đình, tối mẹ lại dạy em học bài, dọn dẹp nhà cửa rồi
mới đi ngủ. Những đêm đông trời trở rét, nửa đêm mẹ lại thức giấc đắp lại tấm
chăn cho em… Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuyệt vời nhất
trong cuộc đời em …”
Đó là những lời văn mà tôi đã được chị gái dạy để tả về người
mẹ của mình. Những bài văn của tôi luôn được điểm cao vì trước khi viết tôi
luôn “tham khảo” ý kiến của chị rồi tưởng tượng thêm để diễn đạt cho hay. Có lẽ
với trí tưởng tượng phong phú nên tôi sớm nổi tiếng là học sinh giỏi văn của
trường.
Đọc xong bài văn tả mẹ của mình, tôi sướng lâng lâng trong
người và đi về chỗ trong tiếng vỗ tay của các bạn. Đợi giây lát, cô tôi bảo:
“Bài văn tả mẹ của bạn Duyên rất hay. Câu cú gãy gọn, diễn đạt
trôi chảy. Các em nên học cách diễn đạt của bạn để viết văn cho hay và phải đọc
thêm nhiều sách. Hôm nay, cô muốn các em nghe thêm một bài văn nữa. Cô mời bạn
Hùng”.
Tôi thoáng ngạc nhiên vì Hùng mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, nhà
Hùng rất nghèo và Hùng chỉ học giỏi môn toán. Tôi thầm cười khi nghĩ, “Chắc
Hùng viết nhăng viết cuội nên bị cô phê bình đây”.
Hùng cúi đầu cầm tập bước lên bảng và đọc:
“Em không còn mẹ. Mẹ mất
đã lâu lắm rồi nên em không nhớ rõ khuôn mặt của mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ, em chỉ
nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ mẹ, nhớ mẹ, thương mẹ rồi chỉ biết khóc mà thôi! Mẹ
mất khi em bé của em mới một tuổi. Lúc đó ba cực lắm vì phải vừa đi làm vừa
nuôi em và em gái. Em gái cứ bệnh rồi khóc hoài. Sáng, ba dậy thật sớm để nấu
cháo để lấy nước pha sữa cho em. Mùa mưa, nhà dột ướt không đủ chỗ ngủ, ba ru
em và em gái ngủ xong rồi nằm xuống sàn nhà. Sáng thức dậy em đã thấy ba nấu sẵn
nồi cháo và kèm theo tờ giấy dặn: “Con nhớ ăn sáng rồi mới đi học”.
Ba em là công nhân vệ
sinh nên sáng phải dậy thật sớm làm sạch đường phố trước khi mọi người thức giấc.
Em chuẩn bị đi học ba mới trở về lo cho em gái. Buổi chiều, em đi học về trông
em cho ba đi làm tiếp. Ba em cực lắm nhưng lúc nào ba cũng dịu dàng như mẹ. Em
ước ao mẹ mình còn sống để đỡ đần công việc cho ba. Em thèm được như các bạn có
mẹ, được mẹ ôm vào lòng, được mẹ khâu áo khi bị rách, được nghe mẹ hát ru em bé
ngủ như cô Tư ở sát nhà. Mỗi lần nghe cô Tư hát ru con, em lại nhớ mẹ và nước mắt
trào ra. Ba bảo: “Mẹ bây giờ đã thành cô tiên ở tận trên trời cao, mẹ cũng nhớ
và thương con lắm nên con phải học thật giỏi mẹ mới vui”. Em cũng thầm hứa với
ba, sẽ học giỏi, học giỏi rồi mẹ sẽ sống lại với cha con mình, phải không ba?
Em càng lớn mái tóc ba
càng bạc nhiều hơn. Nhìn ba tảo tần lo cho em và em gái ăn học, em thương ba lắm
chỉ mong mình nhanh lớn để đi làm giúp ba, nuôi em gái. Em không còn mẹ nhưng
ba chính là người mẹ vĩ đại trong cuộc đời em. Em yêu ba vô cùng…”
Những dòng cuối cùng, Hùng đã đọc trong nước mắt, cả lớp đều
khóc, cả cô giáo cũng khóc và không biết tự lúc nào, nước mắt của tôi cũng lăn
dài trên khuôn mặt của mình…
Nguồn: http://trungtamhotong.org
Tôi dám cá chắc với các bạn rằng, kẻ nào đọc bài ni xong mà không một chút xúc động thì kẻ đó phải là công an và là đảng viên ĐCSVN!
ReplyDeleteHahaha ! Vậy thì LT đã đọc bỏ băng bài "Nhìn lại chiến tranh" của Trần Trung Đạo rồi !
ReplyDeleteChắc bài viết của Trần Trung Đạo dài quá nên LT và các bạn chưa có thời gian để đọc. Bài viết rất hay và thấm thía, đừng bỏ qua các bạn nhé!
ReplyDeleteCảm ơn TA đã post bài này của Trần Trung Đạo. Lâu nay mình vẫn có cái nhìn toàn cục giống như cách nhìn nhận mọi khía cạnh một cách toàn diện của anh Trần Trung Đạo nên rất thích thú bài viết này của anh. Chỉ có những ai hiện đang sống ở VN mới thấy rõ những mối quan hệ xã hội những trạng thái cảm xúc yêu thương, căm thù, thừa nhận, chối bỏ cứ đan xen vào nhau một cách rối rắm không biết đâu mà phân định. Có lẽ đó là một đăc trưng về tính cách, tâm lý của con người Việt Nam ảnh hưởng bởi đạo lý truyền thống. Ta có nên coi những"Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng", những bà mẹ già yếu hiện đang sống với cảnh neo đơn, bệnh tật, những bà mẹ từng che giấu Việt Cộng, từng sinh ra những người con đêm đêm từ rừng rú bò về bắn phá, làm náo loạn sự yên bình của cuộc sống miền Nam là những cựu thù ? Hay là những người bạn thân thiết với ta từng lớn lên với ta từ ghế nhà trường, bây giờ họ có một vị trí nào đó trong xã hội, trong bộ máy chính quyền nhờ tài năng và cống hiến của họ cho xã hội là kẻ thù của ta chăng bởi họ đứng trong hàng ngũ cộng sản ? Tôi thì không có quan điểm như vậy. Kẻ thù của tôi, của nhân dân tôi, kẻ thù của tiến bộ xã hội chính là điều 4 trong Hiến Pháp, điều 88 và điều 258 trong bộ luật Hình sự, những kẻ tham nhũng và những cơ chế đẻ ra nạn tham nhũng đó !
DeleteThis comment has been removed by the author.
DeleteThis comment has been removed by the author.
DeleteÐổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười
ReplyDeleteNhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Trần Trung Ðạo
Boston 1992