Ở quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau” để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”. Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm.
Người ta có nhà còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh. Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văng trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Nên mắt bà đã mờ mà như ướt lem nhem ? Hay tại khói cay bay cao bay sà từ chiếc lò cà ràng, ùng ục nồi cám heo sôi trên bếp ? Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái đâm từ cửa sau, trước mặt má là thúng rau, sịa ngò đang lặt dỡ, bó dỡ… Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả, chỉ có cái cười của má thì vui, vui lắm, vui không kể xiết. Nhất là khi má nhìn đứa cháu nhỏ xíu, ngong ngỏng ở truồng nhảy lạch chạch trong cái thau nước đặt trên sàn lãn (giống mình hồi nhỏ quá đi thôi). Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân. Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo. Cửa sau, với mình, ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi. Cái số mình, thầy bói nói, là số giang hồ, giang hồ vặt. Ra giữa đời, về phố chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau mang ý nghĩa khác mất rồi. Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, “cửa sau” làm nhà nước thất thoát hằng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). “Cửa sau” làm người ta không trọng nhau, không thương nhau, không tin nhau. Cửa sau có muốn đâu, cửa muốn vẽ những bức tranh dung dị, bình thường về những con người bình thường, những cảnh vật bình thường. Nhưng bây giờ người ta hay vẽ, một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha ? Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy. Thiệt đó, tin mình đi. |
No comments:
Post a Comment