Tuesday, October 15, 2013

SO SÁNH

Lưu Dung


Chiều nay, Joanna gọi điện thoại, nhân thể ba hỏi: "Điểm của Joanna hơn hay kém con? Con trả lời: "Khá hơn một chút" Ba ngạc nhiên: "Điểm trung bình của con là hơn 96, vậy mà Joanna còn hơn à?" Con tỏ vẻ không vui, nói: "Như thế đã là gì, còn có Amada được 99 điểm, đã xinh đẹp còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa." Và cuối cùng, con có vẻ cáu kỉnh khi nói bằng tiếng Anh: "Vì sao phải so sánh con với người khác, con là con, họ là họ."
Gần đây, mỗi khi so sánh con với người khác con đều tỏ vẻ cáu kỉnh như vậy. Ba nói chuyện với mấy người bạn thì được biết con cái họ cũng không thích bị đem ra so sánh.
Đúng vậy, sống trong một đất nước rộng hàng triệu cây số vuông, con có thể tìm được không gian sinh tồn, chỗ này không dung thì đi chỗ khác ...
Nhưng con cũng nên biết, khi muốn lên một đỉnh núi thì cũng có bao anh tài ở triệu cây số vuông này muốn lên. Muốn giành quán quân hùng biện ở New York, con đã thất bại, nếu là cuộc thi toàn quốc, con liệu có cơ may chiến thắng?
Thật vậy, chúng ta sinh ra trong một thế giới cạnh tranh. Cho dù thời đại ngày nay của cải đã phong phú, khoa học phát triển, nhưng vẫn là thời đại cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ cạnh tranh vể trí thức, kỹ thuật, hãy nhìn lại thành tích thể thao 40 năm trước, sẽ thấy các nhà vô địch thời đó thậm chí khó mà vào được vòng sơ loại các cuộc so tài đỉnh cao ngày nay.
Ngày xưa, ở Trung Quốc, ai chạy nhanh nhất làng được xưng tụng là "chân gió", bởi thời đó chỉ vượt sang một quả núi là đã sang vùng có thổ âm khác. Ngày nay, tham gia các quộc thi quốc tế, mới hay những người vẫn được mệnh danh theo kiểu tiểu thuyết võ hiệp "khinh công lướt trên ngọn cỏ" phải cố lắm mới khỏi vể bét. Song cũng nhờ các cuộc thi như vậy mà người ta mới nỗ lực học hỏi, tự nâng cao yêu cầu bản thân.
So sánh, thật sự không bao giờ là việc làm dễ chịu. Không dễ chịu vì nó có thể phá tan ảo tưởng của bản thân, nhưng cũng có thể nói là nó sẽ giúp đưa ta trở về với thực tế.
Chu Du có lần than: "Trời đã sinh ta, sao còn sinh Lượng."  Như vậy có thể suy ra, tại một cuộc thi, người về thứ hai than: "Nếu người về nhất không tham gia thì tôi đã vô địch rồi." Người thứ ba than: "Nếu không có người về nhất, về nhì tham gia thì tôi đã vô địch rồi."
Một thế giới như thế có còn tiến bộ được không?
Hãy nhớ, không so sánh với người khác không có nghĩa là giảm được sự cạnh tranh! Thi vào đại học có người đậu kẻ rớt. Con không so sánh với người khác thì người khác cũng so sánh với con. Thế giới này là một cuộc đua lớn, thậm chí để hoài thai một con người cũng là cả một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
So sánh, không phải để thấy anh cao mà để thấy tôi còn thấp. Cạnh tranh không phải là để loại trừ người khác mà là hòa đồng một cách tích cực, để biết mọi người và khẳng định bản thân.
Cuối cùng, ba muốn hỏi, nếu như con không thích so sánh thì làm sao con nhớ điểm trung bình của Joanna?
Để ba trả lời, con vẫn ngầm so sánh!

2 comments:

  1. Thấy của tác giả Lưu Dung . Nếu là bài dịch thì phải ghi là phóng tác hay phỏng dích,...

    ReplyDelete