Tính toán điều chỉnh hiệu quả kinh tế đến thời điểm này của bauxite Nhân Cơ (theo báo cáo của Vinacomin) cho thấy, dự án sẽ lỗ khoảng 2.500 tỉ đồng trong 7 năm lỗ kế hoạch, dù Ban quản lý dự án vẫn khẳng định tính cả đời dự án sẽ có lãi.
Khu nhà máy alumin vẫn đang dang dở - Ảnh: Mai Hà
07/06/2013 03:35
|
Đầu tư tăng, lợi nhuận giảm
Theo hợp đồng, nhà thầu Chaelico (Trung Quốc) sẽ thực hiện thi công Nhà máy alumin Nhân Cơ trong 24 tháng (khởi công vào ngày 28.2.2010), tuy nhiên, theo ông Mai Chiến Thắng, Phó ban Quản lý dự án alumin Nhân Cơ, dự kiến phải tới tháng 6.2014 dự án mới hoàn thành và chạy thử một số hạng mục. Việc kéo dài thời gian thi công, kéo theo những gia tăng về chi phí xây dựng, thiết bị, và tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, lãi vay… đã làm tăng tổng mức đầu tư được duyệt của dự án lên tới 37,8%. Từ 11.624 tỉ đồng lên 16.018 tỉ đồng. Đáng chú ý, dù tăng tổng mức đầu tư, nhưng tỷ suất sinh lời của dự án giảm từ 9,57% xuống còn 8,69%. Đặc biệt, số năm lỗ kế hoạch theo dự kiến từ 5,6 năm tăng lên 7 năm, tổng giá trị lỗ cũng tăng từ 727 tỉ đồng lên 2.478 tỉ đồng (tăng thêm 1.751 tỉ đồng lỗ so với dự kiến ban đầu).
|
Đại tá Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhân Cơ vẫn tự tin cho rằng, thời gian đầu có thể lỗ nhưng về lâu dài dự án vẫn sẽ có lãi. Cũng theo ông Tiến, sở dĩ dự án kéo dài tiến độ do hợp đồng cho phép được kéo dài khi gặp trường hợp bất khả kháng làm chậm tiến độ như mất điện, mất nước, sụt lở do mưa bão... Vì thế, đến nay dù kéo dài hợp đồng, nhưng vẫn trong phạm vi cho phép của hợp đồng, do mất điện hơn 1 tháng, mất nước hơn 8 ngày, mưa gió hơn 300 ngày, chưa kể các yếu tố khác.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, chỉ tính từ tháng 2.2010 đến tháng 3.2013, riêng tổng mức đầu tư của Nhân Cơ (trước khi tính VAT) đã tăng lên thêm 140,9 tỉ đồng/tháng (tốc độ tăng tổng mức đầu tư là 1,3%/tháng), trong khi con số tương tự của dự án Tân Rai là 93,5 tỉ đồng/tháng. Ông Sơn cho rằng với bài toán kinh tế này, vẫn cần tính toán lại với việc có tiếp tục xây dựng dự án Nhân Cơ hay không.
Trước những thắc mắc về nguồn nước cấp cho dự án, theo ông Tiến, nước để phục vụ nhà máy tuyển cần khá lớn, xấp xỉ 30 triệu m3 (sẽ thu hồi 23 triệu m3/năm, chỉ cấp mới thêm 7 triệu m3/năm). Nước lấy từ hồ Cầu Tư (chứa 1,2 triệu m3/năm), ban quản lý sẽ đắp đập và nâng sức chứa hồ lên 9 triệu m3, sẽ tạo thừa hơn 1 triệu m3 cho nông nghiệp. “Toàn bộ sông Đồng Nai dài 38.600 km2, nhưng ở dự án này chỉ sử dụng 25 km2, không thể nói chúng tôi sử dụng nhiều nước và chỉ sử dụng nước mặt”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Sơn, hồ Cầu Tư nếu có nâng cao đập thêm 17 - 19 m cũng chỉ chứa được tối đa 18 triệu m3 (hồ Cai Bảng phục vụ cho Tân Rai chứa được 17 triệu m3), tất cả các hồ này đang là nguồn nước duy nhất trong vùng còn đang thiếu nước tưới cho cà phê, cao su. Việc bauxite sẽ lấy bao nhiêu nước, trả lại bao nhiêu nước cho người dân, có cân đối được với các nhu cầu khác hay không vẫn cần tính kỹ.
Giá đền bù đất thấp hơn cam kết?
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch xã Nhân Cơ (H.Đắk R’lấp, Đắk Nông) cho biết, mối quan tâm lớn nhất của người dân địa phương vẫn là vấn đề môi trường. “Người dân bây giờ có nhiều thông tin qua báo chí nên có những vấn đề nghi ngờ về ô nhiễm, hồ thải bùn đỏ. Các nhà khoa học tập trung đánh giá tác động môi trường và các đoàn chuyên gia của các bộ, ngành có lấy ý kiến người dân cho dự án, hầu hết cũng đồng tình. Nhưng mong mỏi của người dân ngoài dự án có tác động đến phát triển kinh tế địa phương, thì vẫn phải đảm bảo khai thác phải bảo vệ môi trường, sức khỏe”, ông Thành nói.
Theo Ban Quản lý dự án Nhân Cơ, hiện vẫn còn 16 hộ dân chưa nhận đền bù, do chưa đồng ý về phương án giá. Ông Vũ Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Cơ cho biết, thời điểm đền bù (năm 2006), giá đền bù mỗi ha là 40 triệu đồng chưa kể sản phẩm cây trồng trên đất, đây là con số hợp lý tại thời điểm đó. Tuy nhiên, giá đền bù đất tại thời điểm này đã lên tới trên 400 triệu đồng/ha. Trong khi đó, theo ông Bùi Quang Tiến, sở dĩ tổng mức đầu tư dự án tăng do chi phí đền bù giả phóng mặt bằng đã tăng từ 236 tỉ đồng lên 355 tỉ đồng, tăng tới trên 50%. Dự án tái định cư cũng đã được xây dựng với 20 căn hộ và 19 lô đất, nhưng các hộ dân vẫn chưa sử dụng, lý do theo BQL do thực tế “mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân thỏa đáng, đủ điều kiện mua vườn rẫy”.
Ông Tiến cũng cho rằng, báo chí phản ánh giá đất đền bù là 250 triệu đồng không đúng, dự án vẫn đền bù cho dân đúng giá nhà nước bình quân 800 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu tính theo thực tế từ số liệu do chính BQL dự án Nhân Cơ cung cấp, với số diện tích đất đã thu hồi đến tháng 4.2013 là 515 ha (tổng số tiền đã chi cho giải phóng mặt bằng khoảng 203 tỉ đồng), bình quân giá đền bù đất cho người dân của dự án Nhân Cơ mới chỉ là 400 triệu đồng/ha, không phải con số 800 triệu đồng/ha như chủ đầu tư là Tập đoàn than khoáng sản VN (Vinacomin) khẳng định thực hiện lâu nay.
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130607/trong-7-nam-bauxite-nhan-co-se-lo-khoang-2-500-ti-dong.aspx
Mưa to, hồ bùn đỏ có bị ảnh hưởng?
Liên quan đến vấn đề vào mùa mưa tại Tây nguyên, khi ngày nào cũng mưa, bùn đỏ được thải chồng lớp có đạt độ khô rắn như nhà thầu cam kết hay vẫn giữ dạng lỏng, theo ông Tiến, tại dự án Tân Rai ngày nào cũng mưa, mưa to và dài hơn Nhân Cơ nhưng bùn đỏ vẫn khô dần dần. Mưa cũng không tan rã bùn đỏ, khác với hồ chứa bùn loãng, nên không tạo áp lực lên thành đập. “Nhà thầu cam kết độ PH của nước xút trong bùn đỏ dưới 11, là mức độ an toàn theo quy định pháp luật. Bùn này khi vào da sau 15 phút thì sẽ bị bỏng da, nhưng nếu tắm rửa đi trước 15 phút thì không sao, và như là chất xút, chất tẩy rửa đậm đặc. Bùn đỏ của Hungary gây chết người vì cách thải bùn của Hungary khác, bùn ở Hungary là loãng, độ rắn dưới 30% và khi bị vỡ ra thì mọi người tập trung cứu người mà không chú ý gột rửa, và do đó chết 4 người”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Sơn, nếu pha rắn của bùn tại bauxite Tân Rai, Nhân Cơ chỉ có 46% vẫn là ướt, công nghệ này vẫn là thải ướt. Chất xút tuy độc hại cho người, nhưng lại rất đắt (khoảng 14 triệu đồng/tấn) nên phải thu hồi lại, nên công nghệ thải bùn về bản chất vẫn giống ở Hungary. |
Mai Hà
No comments:
Post a Comment