Việt Nguyên
Ba mươi tháng tư.
Bạn nhắc ngày ba mươi tháng tư lại đến. Lời nhắc nhở hay lời than thở? Ba mươi tháng tư đến như tên khách lạ, không mời, không mong, không đợi, không chờ, đến nhà gõ cửa không hỏi, không chào. Ba mươi tháng tư, một nửa miền Nam cúi đầu dưới họng súng đi theo một nửa miền Bắc đau thương xã hội chủ nghĩa. Dãy Trường Sơn xương sống chuyển mình, Việt Nam gãy đổ, nước Việt chữ S trở thành hình con giun oằn oại.
Tháng tư, tháng của mùa xuân mà trời Sàigòn nóng như lửa, những chuyến máy bay di tản cất cánh hòa với bản nhạc “Giáng Sinh Trắng”, người Sàigòn chia ly đầu bừng bừng như trong “Mùa hè đỏ lửa”, người Mỹ lạnh lùng phản bội ra đi như tuyết mùa đông.
Bạn hỏi tôi có nhớ ba mươi tháng tư? Ngày còn trẻ mang nhiều ước vọng, chạy quanh Sàigòn nhìn những cảnh tang thương, người đi mang nỗi sầu trong tim kẻ ở lại đi trên đường với những giòng nước mắt âm thầm trên đôi mắt đỏ như màu máu. Sàigòn hỗn loạn, Sàigòn ngơ ngác đón xe tăng địch về với những gương mặt bộ đội ngớ ngẩn hỏi đường đến Dinh Độc Lập ngày Tướng Dương Văn Minh đầu hàng. Sàigòn với bản nhạc “nối vòng tay lớn” không giữ được ngưòi ra đi. Sàigòn với những anh hùng lỡ vận đốt chiến y chờ đợi một tương lại. Sàigòn với những người hùng cố thủ trên cao ốc, Sàigòn với những tiếng khóc uất ức của những người bị phản bội. Sàigòn với bản nhạc “nối vòng tay lớn” lừa dối người ở lại. “Rừng núi giang tay” đón những người không tim về thành phố!
Ba mươi tháng tư, bạn hỏi tôi có nhớ tháng tư? “Tháng tư gãy súng”, tháng tư đồng minh phản bội. Tháng tư hy vọng của hòa bình không đến. Chiến tranh chấm dứt đón hòa bình giả tạo. Tháng tư bắt đầu những hận thù âm ỉ, kẻ thắng không giữ lời xem toàn miền Nam như kẻ thù truyền kiếp. Nước Cửu Long không rửa được hờn oán những thập niên dối trá sắp đến với miền Nam. Người vào trại học tập, kẻ ở nhà trong một trại giam vĩ đại không hàng rào kẽm gai, gia đình ly tán người người ái ngại. Dương Văn Minh đầu hàng, chính quyền cách mạng lên tiếng kêu gọi “hòa hợp hòa giải” quên hận thù xây dựng tương lai, lính bỏ súng đầu hàng đi vào trại giam.
Ba mươi tháng tư bắt đầu một dối trá. Lời hứa giả tạo đem lại hy vọng cho người ở lại như một viên thuốc cho người bệnh hấp hối. Ba mươi tháng thư bắt đầu cho một chính quyền cộng sản với chủ thuyết Mác Lê thay cho lúa gạo.
Ba mươi tháng tư, tôi đi bộ trên đường phố Sàigòn như một chứng nhân lịch sử sau khi chạy xe gắn máy ngừng trên đường Thống Nhất nhìn xe tăng “Giải phóng” tung sập cánh cửa Dinh Độc Lập. “Độc Lập” sập, “Nô lệ” đến, nô lệ cho chế độ cộng sản tiếp tục từ chế độ nô lệ ở miền Bắc từ 1954, Độc Lập sập báo hiệu cho những thập niên sau nô lệ cho “mô hình Trung Quốc” một đảng cộng sản lệ thuộc Trung Cộng. Tôi bỏ đi khỏi đường Thống Nhất sau khi chứng kiến “hoan hô cách mạng” dưới họng súng của những người dân sợ hãi đứng bên đường nhìn đoàn xe tăng.
Ba mươi tháng tư, tôi đi trên đường phố Sàigòn hỗn loạn mà lòng buồn như hoang đảo. Loa phóng thanh ồn ào trên những chiếc xe lam, những chiếc xe gắn máy. Bộ đội chưa thấy chỉ thấy quân “ba mươi tháng tư” ăn có làm cách mạng. Trộm cướp ngoài đường của một ngày vô trật tự trong khi bên trong Dinh Độc Lập đầy những người cách mạng ngớ ngẩn nhìn những tiện nghi tối tân. “Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”, dân hy vọng cách mạng sẽ đem đến trật tự mới. Nhưng những cảnh hỗn loạn, cướp trộm những nhà đã bỏ đi Mỹ, báo hiệu ba mươi tháng tư sẽ bắt đầu chiến dịch cướp hợp pháp lớn hơn qua chính sách đánh phá tư sản mại bản. Sàigòn hỗn độn với những người mặt lo lắng vội vàng bỏ đường phố về nhà. “Nhân dân vùng dậy làm cách mạng” chỉ là những lời tuyên truyền láo của chính quyền cho dân miền Bắc đang mơ dưới chế độ cộng sản trên hai mươi năm.
Tôi đi trên đường phố ngày ba mươi tháng tư 1975, qua cầu nước đục từ Gia Định về, bao nhiêu năm sau nước còn đục hơn nữa, ước vọng của dân nghèo ngày hôm ấy đón cộng sản về thành nỗi thất vọng lớn lao. Đi trên đường phố hỗn loạn, tôi chỉ nghĩ đến những cuốn sách đã đọc như “Từ thực dân đến cộng sản” của Hoàng Văn Chí, cuốn sách với những phân tích về chủ thuyết cộng sản thực hiện ở miền Bắc sau 1954 và thầm hy vọng tác giả đã nhận định sai. Đi trên đường phố hỗn loạn trong ngày lịch sử hôm ấy, nhìn những cửa hàng buôn bán, nghĩ đến những thương gia, điền chủ tôi chỉ mang một hy vọng những gì trong cuốn phim “Chúng tôi muốn sống” với tài tử Lê Quỳnh chỉ là những lời tuyên truyền sai của Việt Nam Cộng Hòa. Trong những nguời lính đã bỏ súng đầu hàng trong ngày ba mươi tháng tư có bao nhiêu nguời đã đọc “Trại Đầm Đùn” và rồi đây những năm tháng sắp đến, “cách mạng khoan hồng” có tạo ra những trại giam khủng khiếp trong thế kỷ thứ hai mươi sau hai mươi mốt năm hiệp định Genève?
Tôi đi trên đường phố Sàigòn ngày hôm ấy, một ngày trời nóng bức như mùa hè, nhớ đến Doctor Zhivago và Lara qua cuốn truyện của Boris Pasternak đã được làm thành phim, nghịch cảnh sẽ tạo ra bao nhiêu Zhivago trong Việt Nam Siberia lạnh giá? Đêm ba mươi tháng tư, nằm trong nhà nghe bộ đội nói chuyện ngớ ngẩn ngoài xóm với những danh từ Bắc cách mạng khó hiểu, tôi nhớ đến những người bạn, cùng ngồi với nhau trong quán nước, nhìn nhau nuôi một hy vọng cuối cùng trong một tháng tư với những người dân tị nạn bỏ chạy giặc trên quốc lộ số một: cộng sản Việt Nam sẽ có một bộ mặt như cộng sản Nga thay vì cộng sản Tàu. Hy vọng buồn cườI : cộng sản Nga ít ác độc hơn cộng sản Tàu! Cách mạng của Stalin chỉ thanh trừng giết hại 60 triệu người thay vì cộng sản Mao giết hơn 100 triệu dân Trung Hoa. Những ngày tháng tư năm 1975, cùng nhìn nhau lo lắng qua những bản tin ngày “giải phóng Kampuchia” dân bị cưởng bách bỏ thành phố, Nam Vang bỏ hoang với Khmer đỏ, dân Sàigòn chỉ còn hy vọng số phận của Sàigòn sẽ khác và rồi những hy vọng ấy cũng tắt dần những ngày sau 30/4/1975.
Tôi ở lại hơn hai năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa bị khai tử, chứng kiến những thay đổi của xã hội miền Nam trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa quá độ. Cuộc cách mạng bắt chước theo các thời kỳ của cộng sản Nga và Trung Hoa, đấu tranh giai cấp, vô sản hóa giai cấp tư bản và tiểu tư sản, công nông nhân làm chủ mặc dù lịch sử đã cho thấy hai cuộc cách mạng vô sản ở Xô Viết và Trung Hoa là hai cuộc cách mạng thất bại. Dựa trên tinh thần “Tư bản luận” cũ mèm của Karl Marx luận về nền kinh tế tư bản Tây phương thế kỷ thứ 19, đảng cộng sản Việt Nam không biết đến những tiến bộ xã hội và kinh tế cũng như căn bản của nền văn minh như nhà kinh tế hiện đại, Milton Friedman năm 1962 đã viết cuốn “Tư bản và tự do”: “Trong những nền văn minh tiến bộ vĩ đại trên thế giới tất cả những tiến bộ về kiến trúc, ấn loát, khoa học, văn chương, kỹ nghệ, nông nghiệp v.v…không hề đến từ chính quyền trung ương”.
Hai ngày kỷ niệm ba mươi tháng tư trong hai năm sau, miền Nam tiêu điều, Sàigòn hoang vắng, đường phố chói chang với cờ đỏ sao vàng, cờ càng đỏ ngày 30 tháng tư thì đời người dân càng ngày càng tang thương, sao vàng càng phất phới kinh tế càng vàng vọt dù rằng chính sách học tập của đảng và nhà nước hứa hẹn trong mười năm Việt Nam bằng Pháp (đảng ít ra cũng còn giữ sĩ diện không so sánh với kinh tế Liên Xô hay Trung Cộng hay một nước cộng sản Đông Âu!)
Đánh cho “Mỹ cút ngụy nhào”, nhà nước và đảng nhất định diệt tư bản qua chính sách đánh tư sản mại bản, tịch thu tài sản đuổi dân đi vùng kinh tế mới mà sự thật đằng sau là chính quyền cướp của, cướp đất của dân, chuyển tài sản về Bắc kể cả khối vàng 20 tấn đổ cho T.T. Nguyễn Văn Thiệu đã đem lên máy bay đi Mỹ.
Văn hóa giáo dục Mỹ ngụy phải thay đổi, trí thức là thành phần phản động đáng nghi ngờ. “Hồng thắm hơn chuyên” chính trị trên chuyên môn, bí thư đảng nằm khắp các cơ quan kể cả bệnh viện, trường học, một yếu tố làm hư hại đến chuyên môn mà sau này khi Tổng bí thư Gorbachev cải tổ việc đầu tiên ông làm là loại các bí thư đảng ra khỏi các cơ quan và hãng xưởng. Giáo dục xã hội chủ nghĩa đào tạo những chuyên viên kém, thiếu chất lượng nhưng đầy tính đảng: giả dối, nịnh bợ. Con người sống trong xã hội chủ nghĩa quá độ quên hết tình người, lễ giáo, đạp nhau mà lên, xô nhau mà đi. Con người đi ngược lại thuyết tiến hóa của Darwin “từ người trở về vượn”.
Đuổi dân đi vùng kinh tế mới để dạy dân bài học vô sản, cướp của cướp luôn cả phẩm giá con người dù rằng đảng lúc nào cũng hô hào xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và đổ tội cho Mỹ ngụy về các tội ác và mặt xấu của xã hội. Những giá trị vĩnh cửu bị phá hủy. Pascal nói “con người là con vật biết suy nghĩ”, trong thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa con người của các ông cộng sản đào tạo là những con vật không suy nghĩ.
Cai trị với quyền lực của họng súng và với sự cộng tác của những kẻ trở cờ ba mươi tháng tư, xã hội thay đổi như truyện “Cuốn theo chiều gió” của bà Margaret Mitchell thời chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ. Xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ dùng đủ phương tiện cộng sản “cứu cánh biện minh cho phương tiện” khác với những lời khuyên đạo đức của triết gia Imanuel Kant “con người không nên bị xử dụng như là phương tiện để thoả mãn cứu cánh của kẻ khác!”
Không giết người trắng trợn, không đẩy dân ra khỏi thành phố cho giới truyền thông quốc tế thấy, đảng cộng sản lập ra các vùng kinh tế mới và các trại tù cải tạo. Dân miền Nam trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa quá độ ngơ ngác như anh chàng nông dân Moritz ra toà án quốc tế Nuremberg trong truyện “giờ thứ 25” của nhà văn Lỗ Ma Ni Vigil Georghiu: “trong bao nhiêu năm tôi không còn biết tôi là ai, tôi ở đâu”
Trong khi giới trí thức cố giữ phẩm cách của mình khi phải phục vụ chế độ mới, chế độ tự nhận giải phóng, trong những điều kiện mà hy vọng vào tương lai như ánh sáng le lói bên kia đường hầm thì các trại tù cải tạo mọc lên cùng khắp. Những người tin tưởng vào chính quyền bị lừa đi tù không tuyên án không thấy ngày về trong khi vợ con bị đày vùng kinh tế mới gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng. Chồng trong tù, vợ ở ngoài vất vả nuôi con, Người tù “được” cải tạo để trở thành những con người không còn suy nghĩ như tù nhân Ivan “ trong một ngày trong đời Ivan Denisovich” của Aleksander Solzhenitsyn. Trước 1975, người đọc tưởng Solzhenitsyn thêu dệt, CIA Mỹ “đầu độc” trí thức miền Nam qua các tác phẩm chống cộng, nhưng rồi những tù cải tạo ở miền Nam Việt Nam sau 1975 cũng giống như những tù khổ sai ở vùng Tây Bá Lợi Á của chính quyền Stalin, phản bội giai cấp công nhân trong khi toàn quốc hát bài quốc tế lao động “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Người tù bị đánh đập, bỏ đói, bị các “ăng ten” theo dõi, “vét sạch bát thức ăn, hài lòng khi đi ngủ sau một ngày lao động”. Người tù không biết khi nào được trả về nhà, bị chuyển từ trại tù này sang trại tù khác “anh không còn biết sống ở đâu dễ thở hơn, ở nhà tù này hay ở nhà tù kia!”
Thiên đàng cộng sản với những nhà tù cùng khắp ở Việt Nam không khác gì “Quần đảo ngục tù” của Nga được diễn tả bởi Solzhenitzyn qua 300,000 chữ. Cuối cùng thì những người tù bị tước đoạt tất cả không còn sợ chế độ cộng sản, điển hình là kỹ sư Bobynin và hàng nghìn người tù lương tâm Việt Nam khác. Bobynin trong “Tầng đầu địa ngục” đã vạch ngực ở trần nói với tổng trưởng an ninh Abukomov: “ông đã tước đoạt tự do của tôi lâu rồi và ông cũng không có khả năng để trả lại tự do cho tôi vì chính ông, ông cũng không có tự do. Ông chỉ mạnh khi nào các ông tước đoạt của người khác tất cả mọi thứ bởi vì khi một người khác bị lấy mất tất cả, người đó sẽ không còn ngại sợ các ông nữa, người đó lại được tự do”.
Sau hơn hai năm, hai ngày kỷ niệm ba mươi tháng tư của kẻ chiến thắng, tôi rời Sàigòn ra đi bằng thuyền, trở thành một trong hàng triệu thuyền nhân, cố quên đi chuyện cũ để lập lại cuộc đời mới trên đất mới như bao nhiêu triệu người Việt xa xứ. Năm đầu tiên ở Mỹ, tôi đến dự ngày ba mươi tháng tư do cộng đồng người Việt ở Portland Oregon tổ chức, sau gần một tháng định cư. Ngày tưởng niệm được tổ chức ở hội trường, đứng chào quốc kỳ hát quốc ca với lá cờ vàng ba sọc đỏ trong không khí trang nghiêm, nỗi xúc động lại đến với tôi như lần đầu nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới giữa sân trại tị nạn Pulau Besar khi bước chân lên đảo sau 42 ngày lênh đênh trên biển.
Các cộng đồng tị nạn những năm đầu còn nghèo nhưng đầy tình người, các buổi tổ chức trang nghiêm với những bài hát yêu nước, những bản nhạc chống cộng và những vở kịch dân tộc làm người tị nạn không thể quên quê nhà bỏ lại đằng sau. Những năm sau dù bận rộn với công việc của cuộc đời bác sĩ thường trú tôi vẫn ghé đến những ngày ba mươi tháng tư của cộng đồng New Orleans, rồi sau này định cư về Houston, những đêm ba mươi tháng tư của những giờ “còn chút gì để nhớ” và không thể quên được đêm ba mươi tháng tư 1975, một đêm không ngũ.
Những ngày ba mươi tháng tư của cộng đồng người Việt tị nạn trong những năm đầu, còn mang nặng dấu đau thương nhiều ý nghĩa. Những năm thao thức của những người Việt xa nhà, đợi tin nhà từng phút từng giờ qua những thông tin bị bưng bít và phương tiện liên lạc khó khăn, văn nghệ trong những năm này thể hiện tâm hồn người tị nạn với trái tim gởi về gia đình và quê hương bên kia bờ Thái Bình Dương.
Những đêm không ngủ thao thức theo nhịp đập của quê nhà. Một quê nhà rách nát với “Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng khởi vùng lên diệt Tự do”, người người tiếp tục rời bỏ Việt Nam ra đi bằng thuyền hay đường bộ qua Thái Lan. Trong chế độ không Tự Do và Công Lý mọi người mất hy vọng nhìn thấy ánh sáng bên kia đường hầm. Các trại cải tạo vẫn ở cùng khắp từ Nam ra Bắc, người tù không thấy ngày về sau khi bị đảng lừa “đem lương thực 10 ngày đi đường”.
Trong hai mươi năm đầu, những ngày kỷ niệm 30 tháng tư thay đổi theo tình hình chính trị. Các phong trào tranh đấu hải ngoại vùng lên trong khi tiếng nói của người dân trong nước càng ngày càng bị dập tắt. Khí thế tranh đấu vùng lên đôi khi đòi phương pháp bạo động mặc dù chính sách của chính phủ Hoa Kỳ không đổi, người Mỹ đã phủi tay khỏi Việt Nam với bàn tay phù thủy của Henry Kissinger qua hiệp định Paris 1973. Chính sách cấm vận thay cho giải pháp quân sự. Chính sách đoàn tụ giảm bớt con số thuyền nhân. Trong hai mươi năm cấm vận, kinh tế Việt Nam khó khăn nằm trên phao chết đuối nuôi sống một phần bởi những người Việt Nam yêu gia đình gửi về hàng tỷ Mỹ Kim dù biết một phần tiền sẽ rơi vào tay cán bộ. Chính sách nhà nước không thay đổi, càng sửa càng sai vì đi vào con đường sai lầm xã hội chủ nghĩa. Chính sách hòa giải của nhà nước cũng trước sau như một “tội các anh đáng chết, cách mạng khoan hồng”. Con đường cách mạng mờ mịt với kinh tế suy kiệt chỉ thấy ánh sáng khi Hoa kỳ bỏ cấm vận và sau đó là bang giao chính thức với Việt Nam năm 1995. Trong hai mươi năm, trong khi những người tù cải tạo phải chịu tội để trả những lỗi lầm của Hoa Kỳ thời chiến tranh của Johnson với Tướng Westmoreland thì tội ác cộng sản càng ngày càng chồng chất và thế giới làm ngơ dù sau này có cuốn “Sách đen” thay cho “Sách hồng” của cộng sản. Hai mươi năm đầu là thời kỳ đen tối nhất của đảng cộng sản, sau này chính cựu Thủ tướng Phan Văn Khải phải thú nhận, “hai mươi năm khó khăn nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ vì Việt Nam chỉ giao thương với khối cộng sản”. Tôi vẫn theo dõi những ngày kỷ niệm 30 tháng 4 mặc dù đôi khi không đồng ý cách tổ chức mỗi năm nhưng tinh thần trong 39 năm qua là tinh thần của những người Việt cao thượng theo phương châm không hận thù của người Mỹ “tha thứ nhưng không quên” (Forgive but not forget).
Mỗi ba mươi tháng tư tôi cầm viết như các bạn khác, viết về đề tài có dính líu đến 30 tháng tư, một ngày đau thương như vết thương không lành, có khi là bài viết về lỗi lầm của Tướng Westmoreland trong chiến tranh Việt Nam, có khi là bài về Kissinger và Nixon, có khi là cuộc cách mạng cải cách ruộng đất ở Trung Hoa và Việt Nam.v.v…Tôi chủ trương không nhắc lại ba mươi tháng tư mỗi năm, chỉ nhắc đến những đánh dấu quan trọng, năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm nhưng năm nay 39 năm, gần 30 tháng tư lời tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao đặc trách Việt kiều, về hòa hợp hòa giải, đến Gia Nã Đại qua Hoa Kỳ ghé Houston: “Thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh” đã làm tôi phải cầm viết, viết lại những chuyện cũ nhàm chán nhưng cần thiết như tinh thần của nhà văn Klíma: sau khi cộng sản Đông Âu đổ vẫn phải viết những chuyện thời cộng sản để hậu thế đừng quên mà có thể mắc phải một lỗi lầm đáng tiếc một lần nữa.
Những người cộng sản Việt Nam cũng có óc khôi hài như Stalin, nhà độc tài khát máu đã nói: “một người chết là một thảm họa, triệu người chết là con số vô nghĩa”. Tháng 7 năm 2013, chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ gặp T.T. Obama, cám ơn Hoa Kỳ đã chăm sóc cộng đồng Việt Nam, thiếu liêm sỉ ông Sang nhận vơ cộng đồng tị nạn, những người bị chế độ đuổi ra khỏi nước, là công dân của ông. Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố “thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh”, một thứ trưởng đặc trách người Việt hải ngoại thiếu trình độ hoặc ông quen nói một lời hai nghĩa của cộng sản, buột miệng nói “nạn nhân của chiến tranh giải phóng” nhưng ông kịp thời ngưng lại.
Thuyền nhân là nạn nhân của chế độ cộng sản. Ngày 30 tháng tư hàng nghìn người đã ra đi từ các bến cảng, trên những tàu chiến ra Đệ Thất hạm đội, những người ấy không được gọi là thuyền nhân. Những người ấy ra đi hoặc vì hốt hoảng hoặc vì đã biết cộng sản ở miền Bắc sau 1954, một số ngây thơ tin cộng sản trở về bị nhốt vào tù. Thuyền nhân là hàng triệu người đã sống trong chế độ cộng sản sau ngày 30/4/1975, bị từ chối quyền sống của con người, quyền công dân của nước Việt Nam, bị tước bỏ những tự do tối thiểu, bị tù cải tạo, bị đày đi kinh tế mới, những người ra đi vì tuyệt vọng nhưng can đảm để hy vọng vào một tương lai làm lại cuộc đời dù biết những hiểm nguy trên biển cả bão tố, hải tặc và công an biên phòng. Liên Hiệp Quốc xem thuyền nhân trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á là nạn nhân của chế độ cộng sản. Thuyền nhân đã đánh thức lương tâm thế giới. Hàng triệu người trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé trên đại dương mênh mông thê thảm hơn là hình ảnh trong truyện Khái Hưng “Anh phải sống” trên sông Hồng một ngày bão tố, và đánh thức lương tâm triết gia Jean Paul Sartre nguời đã lên án Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh thuyền nhân và tù cải tạo đã làm ca sĩ phản chiến Joan Baez thức tỉnh hối hận.
Thuyền nhân là nạn nhân của chế độ cộng sản, ở miền Nam thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh giải phóng, ngoài Bắc thuyền nhân ra đi sau 1975 là nạn nhân của chế độ nô lệ chủ nghĩa Mác Lênin. Năm 2004, thủ tướng Võ Văn Kiệt nói “Trong ngày 30 tháng tư có triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Ông nói sau khi Việt Nam được xem là đã có sự đổi mới. Năm 1989 cộng sản Đông Âu sập, năm 1991 đến phiên Liên Xô sau khi Gorbachev dẹp đảng cộng sản. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện “đổi mới” nhưng đảng cộng sản Việt Nam như con cắc kè chỉ “đổi màu”, hệ thống bí thư đảng trong tất cả các cơ sở vẫn giữ không bãi bỏ như TBT Gorbachev đã làm. Năm 1995, Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam, người Việt hải ngoại tiếp tục gởi tiền về, nhân tài các ngành hoặc về nước hoặc giúp đỡ các chuyên viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du học, tất cả từ tấm lòng của những người Việt yêu quê hương. Việt Nam thay đổi về kinh tế, giao thương với các nước tư bản nhưng về mặt chính trị không thay đổi. Tiếng nói đối lập bị dập tắt. Văn chương phản kháng từ trong nước, những tiếng nói Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp.v.v… từ miền Bắc vạch rõ bộ mặt thiên đường cộng sản, họ không phải là nạn nhân của chiến tranh như ông Nguyễn Thanh Sơn nghĩ.
Gần hai mươi năm sau ngày bang giao với Hoa Kỳ, kinh tế Việt Nam được xem như là thành quả của cơ quan tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới nhưng tham nhũng lan tràn, hố thẳm giàu nghèo càng ngày càng sâu. Câu nói của ông Võ Văn Kiệt ngày 30 tháng 4 phải là “30 tháng 4 có tám triệu đảng viên vui và hàng chục triệu người Việt buồn.”
Ông Võ Văn Kiệt đã nói “mỗi nước có một thể chế chính trị riêng”, ông nói đúng nếu thể chế chính trị ấy được người dân chọn. Đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo điều 4 hiến pháp vẫn giữ, tiếng nói đối lập vẫn bị xem là tiếng nói của những kẻ theo âm mưu “tiến trình dân chủ hóa của Mỹ”, nghi ngờ ấy luôn luôn có trong đầu những kẻ lãnh đạo đảng ngay từ những phút đầu khi lập bang giao với Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo bước chân Trung Cộng: “bắt giữ những kẻ phạm pháp chứ không bắt giữ đối lập”, không vi phạm nhân quyền nhưng danh sách tù nhân lương tâm chồng chất ! Hai mươi năm sau ngày cấm vận được Hoa Kỳ bãi bỏ, chế độ cộng sản Hà Nội cảm thấy vững hơn nhờ “chính sách ổn định Đông Nam Á” của tiến sĩ Henry Kissinger. Chính sách hòa hợp hòa giải của đảng cộng sản Việt Nam vẫn là chính sách kêu gọi qui hàng, không đối thoạI, như sau ngày 30 tháng tư 1975. Đảng và nhà nước không tiếp xúc công khai với người Việt nước ngoài chỉ gặp những kẻ xu nịnh chạy theo đồng tiền. Tổ chức tiệc ở Dinh Độc Lập cũ để chiêu đãi những Việt kiều hoặc không tim hoặc không óc, những con người duy vật. Năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn đại diện đảng kêu gọi đại hội Việt kiều hải ngoại ở Việt Nam nhưng đảng vẫn thờ bác Hồ, bác Mao, bác Stalin. Ông Hoàng Duy Hùng ở Houston tiếp xúc nhiều với các thành phần lãnh đạo đảng cộng sản đã học được tính khôi hài của cộng sản, ông nói các ông Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Minh Triết không còn theo cộng sản vì ông không thấy trên bàn thờ nhà các ông ấy có hình bác Hồ, bác Mác, bác Lê Nin, bác Stalin. Ông Hùng hiểu sai nghĩa thần thánh hóa, thần tượng hoá. Năm 1995, kỷ niệm hai mươi năm ngày 30 tháng 4, nhà báo William Safire đến Sàigòn gặp ông Phạm Xuân Ẩn và gặp thủ trưởng của ông Ẩn là ông Mai Chí Thọ một người cộng sản sắt máu. Ông Mai Chí Thọ đã cho thấy ông vẫn thờ cúng tổ tiên, những người cộng sản trước khi chết sợ đối diện với trời, trên bàn thờ ông không có hình Hồ Chí Minh hay Stalin. Ai bảo ông Mai Chí Thọ không phải là người cộng sản trung kiên?
39 năm sau ngày 30 tháng tư, tiếng nói đối lập bị đàn áp, chiến thuật của đảng cộng sản vẫn như cũ, trả tự do các người tù lương tâm luật sư Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Tiến Trung thì cũng như tha bác sĩ Nguyễn Đan Quế mấy chục năm trước. Thế giới có thể bị lừa nhưng những người tranh đấu bất bạo động vẫn sẽ tiếp tục con đường kiên trì của họ. Nhà tranh đấu bất bạo động ở Palestine, ông Zwahre nói: “đấu tranh bất bạo động giống như rễ cây mọc trên đá, trông thì mềm nhưng rễ sẽ đâm vào đá để nước thấm vào lá và cây sẽ lớn vững. Đấu tranh bất bạo động cũng như vậy, sẽ xuyên thủng quyền lực cầm quyền”. Nghe như Lão Tử tân thời, không gì hơn sức nước mềm soi thủng mọi vật “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiên lợi vạn nhi bất tranh”.
Bạn hỏi tôi còn nhớ ngày 30 tháng tư?
Việt Nguyên
30 tháng 4, 2014
Admin oi, cho dum cai jump break nghe. Mat dau roi kh thay. Tks.
ReplyDeleteCái jump break còn đó chứ có mất đi dâu PTH ơi! Mới thử được đó mà ! Hay là lẩn thẩn chuyện gì rồi?
ReplyDeleteVay a? De toi ve xem lai. Tks.
ReplyDeleteChac la dang lan than chuyen "Thoi noi" TDg! :)
"Đảng CSVN đi chết đi!"
ReplyDelete